Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Pháp luật, Kinh tế, Quốc phòng và An ninh; đại diện một số cơ quan liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội thông qua ngày 15.6.2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Trong đó, quy định về Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trao tặng cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng Kỷ niệm chương, quy định về tên Kỷ niệm chương, đối tượng được trao tặng. Luật cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do đó, việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua, khen thưởng là rất cần thiết, bao gồm: dự thảo Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”; dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, các đại biểu tập trung phát huy trí tuệ, góp ý cụ thể vào từng điều khoản để góp phần hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã trình bày tóm tắt Tờ trình về các dự thảo Nghị quyết. Theo đó, các dự thảo Nghị quyết bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Cán bộ, công chức; giảm đầu mối, tránh phát sinh thủ tục hành chính.
Các dự thảo Nghị quyết cũng chỉ quy định, hướng dẫn những nội dung phù hợp với tính chất tổ chức và hoạt động đặc thù của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” gồm 3 chương, 12 Điều; dự thảo Nghị quyết về thi đua, khen thưởng gồm 6 chương, 26 điều.
Các thành viên Ủy ban Xã hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Ban Công tác đại biểu trong việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết; cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình 2 dự thảo Nghị quyết; đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung lớn như: tên gọi kỷ niệm chương; thời gian trao tặng kỷ niệm chương; các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; đối tượng thi đua; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật...
Các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng về phạm vi đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương để bảo đảm ý nghĩa thực chất của khen thưởng.