Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi; Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách…
Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2654/TB-TTKQH về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6.2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã triển khai một số hoạt động để tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có công văn gửi đến Cục thuế các tỉnh, thành phố và Tổng Cục thuế đề nghị báo cáo về các nội dung liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo đề cương, phụ lục cụ thể. Đến nay, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nhận được 63 báo cáo của Cục thuế các tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở tổng hợp sơ bộ các nội dung báo cáo, Thường trực Ủy ban đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với Cục thuế các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại những cuộc làm việc này đều có sự tham gia của lãnh đạo Cục thuế địa phương, đại diện Tổng cục Thuế, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương; và đại diện tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nộp thuế tại địa phương có khó khăn, vướng mắc lớn về hoàn thuế GTGT. Riêng tại các cuộc làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính.
Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ tiếp tục triển khai khảo sát, làm việc với Cục thuế một số tỉnh, thành phố qua nội dung báo cáo nổi lên những vấn đề bất cập, vướng mắc trong hoàn thuế GTGT. Đồng thời, qua làm việc với một số Cục thuế và kết quả tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức làm việc với Tổng Cục thuế để tổng hợp đánh giá, xác định cụ thể những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Sau cuộc làm việc này, Thường trực Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo và cân nhắc các yếu tố liên quan đến tổ chức Phiên giải trình về nội dung này, báo cáo Lãnh đạo Quốc hội.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nhanh chóng triển khai yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc Thường trực Ủy ban đảm nhiệm là rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát về vấn đề này nhằm đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023. Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội, nhất là những doanh nghiệp đang có vướng mắc lớn liên quan đến hoàn thuế GTGT. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ đạo, đôn đốc Thường trực Ủy ban và Vụ giúp việc sớm hoàn thành chương trình khảo sát, làm việc với Cục thuế một số tỉnh, thành phố; tổng hợp báo cáo của Tổng Cục thuế, của Cục thuế 63 tỉnh, thành phố; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc để sớm tổ chức Phiên giải trình về nội dung này… Bên cạnh đó, chú ý triển khai lấy ý kiến Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thu thập đầy đủ ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trên cơ sở thông tin, số liệu được cung cấp trong các báo cáo của Cục thuế các tỉnh, thành phố và báo cáo của Tổng Cục thuế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá các nội dung liên quan đến hoàn thuế GTGT. Trong đó, phản ánh đầy đủ, toàn diện các kết quả đạt được, những nội dung bất cập, vướng mắc liên quan đến các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như các vướng mắc phát sinh từ quá trình thực thi pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Thường trực Ủy ban quan tâm đến công tác truyền thông để đại biểu Quốc hội, cử tri, người dân cả nước nắm bắt kịp thời tiến độ thực hiện, kết quả giám sát, đặc biệt là tác động lan tỏa của giám sát này.