Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Đối ngoại; đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp…
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2024 đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về công tác thi đua - khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, gửi xin ý kiến thành viên Ban soạn thảo và một số chuyên gia. Dự thảo Nghị quyết đã cập nhật quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7.4.2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022”, cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Dự thảo Nghị quyết gồm các chương quy định về: Những quy định chung; Tổ chức thi đua danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn thi đua; Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng; Thẩm quyền, hồ sơ thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Công tác tổ chức trao tặng và tuyên truyền.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm như: danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Thi đua, khen thưởng; hình thức “Khen thưởng nhiệm kỳ”; Bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sáng kiến.
Liên quan đến Quỹ thi đua, khen thưởng, các đại biểu đề nghị, không nên quy định nội dung “Quỹ thi đua, khen thưởng do Ban Công tác đại biểu phối hợp với Văn phòng Quốc hội quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật” trong dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến cũng đề xuất, nên quy định có một Hội đồng thi đua, khen thưởng thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có chức năng hỗ trợ Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn lại các cơ quan của Quốc hội là thành viên của Hội đồng, là cấp xét trình thi đua, khen thưởng của các đại biểu Quốc hội thuộc cơ quan đó.
Kết luận cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc, xác đáng của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh, những nội dung được thảo luận tại cuộc họp đã củng cố, làm rõ hơn các luận chứng, luận cứ khoa học thể hiện trong các quy định cụ thể của dự thảo Nghị quyết; góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.