Lãnh đạo Nhà hát cũng cho biết, sau khi thành lập và sau sáp nhập Nhà hát đã hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng nghệ thuật ngày càng được nâng cao, bộ máy tinh gọn hơn. Trong giai đoạn 2018 - 2023, thông qua các buổi biểu diễn, Nhà hát đã góp phần tuyên truyền thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nhiều vở mới, khôi phục nhiều trích đoạn để tham gia các cuộc thi, liên hoan toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ sau sáp nhập, kiện toàn. Sau khi sáp nhập, Nhà hát là đơn vị sự nghiệp công lập non trẻ nên bước đầu còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Về kinh phí chi cho tập luyện, xây dựng các chương trình nghệ thuật chủ yếu dựa vào ngân sách hỗ trợ của Nhà nước hàng năm. Do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nên khả năng thực hiện xã hội hóa với một số dịch vụ còn hạn chế. Nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị không ổn định, còn quá ít làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ…
Tại cuộc làm việc, Nhà hát đề nghị Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, HĐND các tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù (cụ thể là Quỹ tài năng trẻ) để thu hút các nghệ sĩ trẻ có tài năng về Nghệ thuật truyền thống đến làm việc tại các Nhà hát nói chung và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống nói riêng.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền quyết định mở lại khoa đào tạo diễn viên, nhạc công tuồng, chèo, cải lương để Nhà hát có nguồn nhân lực kế cận. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, nơi tập luyện, biểu diễn, trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật lưu động và tại chỗ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Nhà hát tổ chức cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, tăng dần mức tự chủ.
Các thành viên Tổ công tác của Đoàn giám sát đã nêu một số vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc sau sáp nhập, khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ, kinh phí hoạt động, định biên biên chế của đơn vị, giải pháp trong thời gian sắp tới; gợi mở một số giải pháp cụ thể với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa.
Giải trình, làm rõ những vấn đề Tổ công tác nêu, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa Hàn Văn Hải cho biết, một trong những khó khăn nhất của đơn vị hiện nay, đó là thiếu nhân sự, đặc biệt là nguồn nhân sự kế cận cũng như kinh phí hoạt động; đề nghị Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng tháo gỡ cho những khó khăn, vướng mắc đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp phải.
Nêu rõ, Sở đã nắm được những khó khăn, vướng mắc của Nhà hát, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ Quang Trọng cho biết, hiện nay, Thanh Hóa có 2 nhà hát và thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực, quan tâm và đồng hành với các đơn vị; khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Ghi nhận, đánh giá cao những thông tin, ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cũng như kết quả đạt được của Nhà hát và các đơn vị có liên quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đồng tình với những giải pháp Nhà hát đưa ra, đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên, đưa Nhà hát hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Đoàn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Nhà hát cũng như địa phương và sẽ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.