Ngăn ngừa sai phạm, tham nhũng đất đai

- Thứ Ba, 22/12/2020, 08:00 - Bản đầy đủ
Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, Chính phủ dự báo quản lý và sử dụng đất đai vẫn là một trong những lĩnh vực “dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc, hậu quả cho xã hội và mức độ tinh vi” trong thời gian tới.

Dự báo trên đây cũng không có gì bất ngờ bởi cho đến nay, đa phần các vụ tham nhũng đã và đang được đưa ra xử lý đều liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Gần đây nhất, Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh để điều tra các vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, trong đó có những vi phạm về quản lý đất đai. Trước đó nữa, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều tỉnh, thành đã được phanh phui, xử lý. Điển hình như các sai phạm liên quan đến Khu đô thị Thủ Thiêm, khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn (TP Hồ Chí Minh) hay vụ thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật tại Đà Nẵng...

Có nhiều nguyên nhân cả về lỗ hổng pháp lý và công tác điều hành, quản lý nhà nước đã khiến đất đai trở thành “miếng mồi béo bở” cho tham nhũng. Trong đó, một nguyên nhân cơ bản theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, là tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất công, cơ sở nhà đất của Nhà nước và coi nhẹ trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước trong quản lý đất đai.

Nói chính xác hơn, chúng ta không thiếu các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực hết sức quan trọng này. Từ Hiến pháp cho đến các đạo luật cơ bản như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai và hệ thống các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đều đã có rất nhiều quy định về công khai, minh bạch, đề cập khá toàn diện và căn cơ các khía cạnh của quản lý đất đai như: thu hồi đất; công bố thông tin về đất đai; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai...

Tuy vậy, từ kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai, ông Phan Trung Lý và các cộng sự chỉ rõ: Mức độ công khai, minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai hiện nay rất thấp và nhiều hạn chế. Đa phần người dân không được thông tin về quá trình quản lý, sử dụng đất, quy hoạch - kế hoạch của cơ quan nhà nước, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt là khiếu kiện, khiếu nại về đất đai chiếm đa số.

Kết quả rà soát các vụ việc khiếu nại về đất đai trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay cho thấy, rất nhiều trường hợp đến khi bị thu hồi đất người dân mới biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư... Cơ chế theo dõi, giám sát của nhân dân đối với quản lý, sử dụng đất đai đã được quy định nhưng cũng hầu như không phát huy được trong thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tùy tiện trong quản lý, giao đất, cho thuê đất, lợi dụng liên kết kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép các cơ sở nhà đất của Nhà nước, tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù thu hồi đất của người dân.  

Như thế để thấy rằng, dự báo về tình hình tham nhũng của Chính phủ không có gì bất ngờ. Nhưng cũng chính vì thế mà càng phải hoàn thiện, gia cố thật chắc chắn “lồng thể chế” để ngăn ngừa những vụ việc sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội xem xét ngay trong năm 2021 để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII. Đó sẽ là cơ hội để nghiên cứu, đánh giá thấu đáo và bịt kín những lỗ hổng pháp lý có thể “dẫn đường” cho tham nhũng trong lĩnh vực này. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tất cả các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai.

Và điều quan trọng là phải bảo đảm “sức sống” cho các quy định này trong thực tế bằng việc quy định rõ ràng ngay trong Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan về các chế tài xử lý nếu cơ quan nhà nước và cán bộ công chức vi phạm. Các chế tài này phải đủ mạnh và nghiêm khắc để từng cán bộ, công chức ý thức sâu sắc bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn của mình và hậu quả pháp lý kèm theo để không dám và không muốn lạm quyền, sai phạm, tham nhũng hoặc tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. 

Đồng thời, phải thiết lập được cơ chế khả thi hơn, thuận lợi hơn để người dân thực sự giám sát được việc quản lý và sử dụng đất đai. Phát huy tối đa "tai mắt" của người dân trong việc phát hiện vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm cũng như yêu cầu, đòi hỏi cán bộ, cơ quan nhà nước phải kịp thời giải trình về những vấn đề liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai. 

Nguyễn Bình

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP