Thông lệ quốc tế
Khảo sát của Tổ chức Béo phì Quốc tế (https://www.worldobesity.org) cho thấy, không ít quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường đã chứng kiến tỷ lệ thừa cân béo phì tăng. Trong đó, Đan Mạch, một trong những nước đầu tiên áp dụng chính sách này và đã bãi bỏ vì không có tác động đáng kể đến mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng.
Na Uy là quốc gia áp dụng từ năm 1981 nhưng tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi là 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới. Hay, Chile áp dụng từ năm 2014 nhưng so với giai đoạn trước khi áp dụng là năm 2009-2010, tỉ lệ nam giới béo phì ở quốc gia này là 19.2% còn tỉ lệ này ở nữ giới là 30,7% thì vào năm 2016-2017 thì tỉ lệ béo phì ở nam giới đã tăng lên mức 30,3% còn nữ giới là 38,4%.
Việc tiêu thụ nước giải khát có đường được quyết định bởi phía cầu hơn phía cung. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thể áp dụng những chính sách có tính thân thiện thị trường hơn, vốn đã được triển khai hiệu quả ở các nước khác như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe.
Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dù bắt đầu đánh thuế đồ uống có đường từ năm 2017. Trước khi đánh thuế, năm 2015-2016, tỉ lệ béo phì ở nam giới là 3,2% còn nữ giới là 5,1%, tuy nhiên, sau khi đánh thuế, tỉ lệ béo phì đã tăng lên 22.9% ở nam giới và 24% ở nữ giới.
Tỉ lệ béo phì ở ngưởi trưởng thành ở Bỉ vẫn tiếp tục tăng bất chấp việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường từ năm 2016. Năm 2014, tỉ lệ béo phì ở nam giới nước này là 13,9% còn ở nữ giới là 14,2%, nhưng đến năm 2019, tỉ lệ này ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%.
Phần Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế lên đồ uống có đường, từ năm 1940, tuy nhiên, tỉ lệ người trưởng thành béo phì ở quốc gia này vẫn tăng qua các năm. Năm 2014, 18,9% nam giới và 17,7% nữ giới quốc gia này béo phì, còn năm 2017, tỉ lệ này lần lượt là 21.8% và 19.3%. Ở Latvia, tỉ lệ béo phì vẫn gia tăng dù nước này áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường khá sớm, năm 2004. Trước khi đánh thuế, tỉ lệ béo phì ở nam giới ở độ tuổi trưởng thành là 11.5% còn nữ giới là 19%. Tuy nhiên, đến năm 2019, sau 15 năm đánh thuế, tỉ lệ béo phì ở nam giới đã tăng lên thành 19.6% và nữ giới là 25.7%.
Đặc biệt, Đan Mạch áp dụng chính sách thuế này vào năm 1930. Tuy nhiên, sau 83 năm áp dụng, Đan Mạch đã bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt vào năm 2013. Chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương. Các nhà bán lẻ địa phương phàn nàn rằng người Đan Mạch thậm chí đến Thụy Điển và Đức, nơi giá thấp hơn để mua bơ, kem và nước giải khát, để tránh thuế chất béo và đường.
Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Ngành nước giải khát có gần 1.800 nhà máy trên toàn quốc, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn có lao động lên tới 3.000 người, kéo theo vận hành của chuỗi giá trị quy mô gấp 6-9 lần, có tác động động lan tỏa mạnh mẽ với kinh tế-xã hội.Chính vì thế, để thay đổi chính sách thuế với với một ngành có vai trò lớn với nền kinh tế, cần đánh giá tác động đa chiều đối với kinh tế, xã hội của những mục tiêu chính sách thuế.
Bên cạnh việc mong chờ chính sách thuế phù hợp từ phía nhà nước để phát triển bền vững, bản thân các doanh nghiệp trong ngành luôn chủ động, nố lực theo đuổi những giá trị tạo nên sự bền vững, dựa trên 3 trụ cột Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị minh bạch (G).
Kinh nghiệm quốc tế về mối tương quan giữa thuế và thừa cân béo phì cho thấy, cần tiếp cận vấn đề thừa cân béo phì một cách toàn diện và sâu sắc khi thay đổi chính sách. Theo đó, thừa cân béo phì có rất nhiều nhân tố cấu thành, bao gồm những thay đổi do phát triển kinh tế - xã hội mang lại, ví dụ như xu hướng đô thị hóa, thay đổi về tập quán và khẩu vị, lối sống ít vận động.
Các mục tiêu sức khỏe và tăng thu ngân sách cũng cần nghiên cứu kỹ, khi thực tế cho thấy, nhiều nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng không đáp ứng mục tiêu khi tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn gia tăng, và ngân sách nhà nước không đạt hiệu quả do còn nhiều yếu tố tác động lan tỏa với cả nền kinh tế chưa được tính đến, khiến lợi bất cập hại khi áp dụng chính sách mà thiếu nghiên cứu tác động chính sách toàn diện, đầy đủ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.