Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha; có 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha; Kết quả hoạt động: các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp (KCN Quang Minh 2, diện tích 160 ha và KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha); hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, với diện tích 300 ha; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.
“Hội nghị hôm nay là cơ hội để chính quyền thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là sẽ giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệm.
Gợi ý một số nhóm vấn đề thảo luận, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề chính gồm: nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,…; nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...
Liên quan đến khu công nghệ cao sinh học, Giám đốc Đầu tư và Marketing khu công nghệ cao sinh học Hà Nội Ulrich Petersen phản ánh, hiện nay Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án cũng như đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. “Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án” - ông Ulrich Petersen kiến nghị.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) Nguyễn Hoàng Hải thông tin, là doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp (CCN) 3 tại huyện Sóc Sơn với diện tích lên đến hơn 78 ha, hiện đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng hơn 56 ha và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cả khu, tiến tới nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại chưa thể giải phóng mặt bằng do vướng vào khu vực nghĩa trang. Vì vậy, thành phố nên gia hạn thời gian triển khai dự án, huyện Sóc Sơn xây dựng nghĩa trang tập trung để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Để khắc phục những vướng mắc, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, CCN trên địa bàn thành phố khắc phục các tồn tại. Đồng thời ban hành Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ ngày 26.10.2023 của Ban cán sự Đảng UBND thành phố tháo gỡ kịp thời các vướng mắc qua đó thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công các CCN; Ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3.10.2022 của UBND thành phố quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, đảm bảo sự thống nhất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh trong CCN.
Khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo các CCN mới đi vào hoạt động sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại… Bên cạnh đó, các sở, ngành thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan…
Hà Nội phấn đấu hết năm 2024 khởi công 43/43 CCN. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 13 CCN đã khởi công xây dựng năm 2021 - 2023; 2 KCN đang triển khai chuẩn bị đầu tư hạ tầng; 3 KCN đang thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư; 1 KCN đã được Thủ tướng quyết định thành lập.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản số 521/UBND-KTN ngày 27.2.2024, theo đó từ nay đến cuối năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 6 hội nghị.
Cụ thể, hội nghị “Đối thoại gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm CCN trên địa bàn thành phố ”.
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 4.2024).
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các làng nghề. (Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 5.2024).
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao...). (Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 6.2024).
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố. (Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 8.2024).
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường. (Thời gian dự kiến tổ chức trong tháng 11.2024).