Cà phê phin

Chiếc mũ nhỏ bay lên

Nhiều ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm do chiếc xe Camry gây ra tại con phố nhỏ ấy, tôi mới đủ can đảm xem lại đoạn clip ghi lại khoảnh khắc kinh hoàng đã cướp đi ba mạng người kia. Để rồi, cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh chiếc mũ nhỏ màu hồng trong phút chốc định mệnh đã thảng thốt bay lên như một dấu hỏi giữa thinh không. Dấu hỏi của một bé gái chỉ mới vừa 7 tuổi, “chưa từng được đi máy bay, rất sợ đau” - như mẹ em nói, nhưng lại phải chịu một nỗi đớn đau quá lớn, tới nỗi cướp đi của em quyền được sống, chỉ trong nháy mắt.

“Cuộc đời này, điều mẹ hối hận nhất là không bảo vệ được con. Điều mẹ hạnh phúc nhất là được làm mẹ của con... Con mới có 7 tuổi. Con chưa một lần được đi máy bay. Con bảo bỏ tiền vào lợn để hè này mẹ cho con đi máy bay…” - Những lời của người mẹ mất con như cứa vào gan ruột, khiến người dưng cũng phải rơi nước mắt.

Tròn một tuần sau đó là văn bản “Quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông” được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, trong đó có nội dung “những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe” đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng, trước giờ, học sinh luôn là đối tượng “hồn nhiên vô (số) tội” trong vi phạm luật giao thông (dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…), là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây ra không ít vụ tai nạn, nhưng lại cũng là đối tượng dễ được bỏ qua nhất, thì nay, nên chăng, cần một chế tài xử phạt mạnh tay hơn. Lại cũng có ý kiến phản bác, rằng: “Tôi e là việc làm này có thể tác động tới ý thức của một thế hệ rằng, mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng mệnh lệnh. Rằng, chỉ cần bạn có quyền, bạn có thể ra chế tài và buộc người khác phải tuân theo, dẫu cho chế tài đó không liên quan đến phạm vi điều chỉnh của mình…”. Rằng: “Việc học sinh vi phạm luật giao thông là hành vi chịu sự điều chỉnh của luật giao thông. Nếu nhà trường có thể buộc học sinh nghỉ học vì vi phạm luật giao thông thì các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan cũng có thể buộc người lao động thôi việc vì thế…” - như ý kiến của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó giám đốc kênh VOV Giao thông quốc gia.
 Tranh cãi trên khiến tôi phải mở lại cái clip lẽ ra chỉ nên xem một lần ấy là đã quá đủ để bị ám ảnh. Chỉ để nhìn lại chiếc mũ nhỏ bay lên của bé gái kia liệu có phải là một chiếc mũ bảo hiểm. Không, hình như đó chỉ là một chiếc mũ vải, màu hồng, và trong giây phút sinh tử với cú đâm trực diện ấy, nó đã không đủ sức để bảo vệ được em.

  Ừ, kể mà phải như hôm ấy em đội một chiếc mũ bảo hiểm tốt, và cài quai đúng quy cách, có thể hậu quả sẽ nhẹ hơn chăng? Phải, “nếu có chiếc mũ bảo hiểm thì có thể em bé sẽ không thiệt mạng. Có thể em chỉ bị thương. Nhưng nếu không có người lái xe vô trách nhiệm đó thì em bé thậm chí không bị thương, và không ai bị thương cả - Nhà báo Phạm Trung Tuyến nói với tôi - Việc em bé đội mũ bảo hiểm là cần thiết. Song quan trọng hơn là những chiếc ô tô không nên biến thành “xe điên”.

Thế nhưng, những chiếc “xe điên” vẫn không ngừng xuất hiện, kể cả xe “biển xanh”. Số phận của chúng ta có lẽ chưa bao giờ mong manh đến thế, khi nó có thể bị quyết định đường đột bởi đường đi của một chiếc “xe điên” bất thần phóng đến từ đâu đó, hệt như đường đi của một viên đạn lạc, trong thời chiến. Tại sao? “Có một định nghĩa về văn hóa mà tôi hay dùng. Văn hóa là thói quen được hình thành bởi hai yếu tố gồm cơ chế thúc đẩy và các kỷ niệm độc lập. Cơ chế thúc đẩy trong chuyện này là lợi ích của người tham gia giao thông. Họ lấn làn, vượt đèn đỏ để nhanh hơn, để sớm thoát khỏi sự mệt mỏi của việc tham gia giao thông. Kỷ niệm độc lập của họ trong chuyện này là họ cảm thấy khoái trá vì mình đi khôn hơn người khác, đến nhanh hơn, công việc hiệu quả hơn. Kỷ niệm về hậu quả của nó ít hơn những kỷ niệm về lợi ích…” - Nhà báo Phạm Trung Tuyến lý giải.

Đáng tiếc thay, hầu hết những kỷ niệm này đều là những món “học phí trả bằng máu”, và “trực quan sinh động” của “bài giảng” không ai muốn nghe ấy, phải chăng là hình ảnh chiếc mũ nhỏ bay lên, như một dấu hỏi buồn. Dấu hỏi cho một cuộc đời đoản mệnh, không thể trông chờ vào một chiếc mũ bảo hiểm, hay một án phạt nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của một nhà trường…

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.