Tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực trẻ em
Sáng 16.7, tại Hà Nội, Tiểu ban Giáo dục Thể chất, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp “Giải pháp tăng cường dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em, học sinh”.
Thời gian qua, việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngày 8.1.2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 41/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” (Đề án 41).
Với sự nỗ lực của ngành giáo dục, ngành y tế và các ngành có liên quan, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, Đề án đã được triển khai và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh còn gặp nhiều khó khăn, có các vấn đề khác nhau ở mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Cụ thể, mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất đã được tăng cường, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác dinh dưỡng và tổ chức ăn bán trú trong trường học; trang thiết bị tập luyện giáo dục thể chấtvà hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, và quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể dục trong nhà trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, kinh phí cấp cho công tác dinh dưỡng và vận động thể lực trong trường học quá hạn hẹp; cơ chế chính sách chưa hợp lý, công tác xã hội hóa giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thấp, chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong thực hiện chế độ ăn khoa học, hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ ở một số cơ sở giáo dục chưa thật sự hiệu quả…
Vượt qua gánh nặng kép
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. PGS.TS. Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho biết: 19% trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, và cũng xấp xỉ 20% trẻ thừa cân béo phì, tỷ lệ lớn trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng... Sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vấn đề cần quan tâm.
Theo TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, với khoảng 1/4 dân số là trẻ em, học sinh đang được chăm sóc và học tập tại các trường học, bảo đảm dinh dưỡng học đường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người Việt Nam và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: thực tế hiện nay, việc bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực trẻ em, học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động giáo dục thể chất, bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe… cho học sinh còn bị coi nhẹ, nhất là ở bậc học phổ thông. Bên cạnh đó, công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều hạn chế, bất cập. Nghiên cứu gần đây cho thấy bữa ăn của trẻ em tại các trường học trên địa bàn Hà Nội chưa hợp lý: thừa về năng lượng và chất đạm nhưng thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng.
PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các cấp, các nhà trường về tầm quan trọng của bảo đảm dinh dưỡng, giáo dục thể chất, rèn luyện thể lực trong trường học; cải tiến phương pháp giáo dục thể chất trong nhà trường để thực chất hơn với rèn luyện sức khỏe và thể lực học sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho học sinh. Có chính sách huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn học đường cho học sinh.
Nghiên cứu xây dựng chính sách về dinh dưỡng học đường, các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường; nghiên cứu mô hình điểm về bữa ăn học đường phù hợp với từng địa phương, từng trường học; chú trọng công tác phối hợp kiểm tra, giám sát liên ngành về công tác dinh dưỡng học đường - vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Cùng ý kiến, ông Lý Quốc Biên, Ủy viên Tiểu ban Giáo dục thể chất góp ý, cần xây dựng bộ tiêu chí về bữa ăn học đường, và có ngân hàng thực đơn đủ lớn để các trường ở các địa phương trên cơ sở đó có thể lựa chọn phù hợp với các tiêu chí đưa ra…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất cho rằng: Thông qua số liệu và khảo sát đánh giá có kiểm chứng, từ góc độ khoa học, phiên họp nhằm đánh giá đúng thực trạng về dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em, học sinh ở các cấp học mầm non, tiểu học và trung học; thực trạng ở các vùng miền, ở các điều kiện thuận lợi và khó khăn. Từ đó các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra kiến thức, tiêu chí, chỉ số, quy chuẩn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực, xây dựng được các mục tiêu, chỉ số, yêu cầu cụ thể, mang tính định lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, với những ý kiến tại phiên họp, và trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 41, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Đề án trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách cụ thể nhằm tăng cường dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong thời gian tới.