Giá giảm vì cung vượt quá cầu
Sau khi liên tục đi ngang trong cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán, giá lợn hơi đầu tháng 3 tiếp tục giảm mạnh. Ngày 6.3, giá dao động 47.000 - 52.000 đồng/kg; giảm 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi đồng loạt đi ngang trên diện rộng, từ 48.000 - 49.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg ghi nhận tại Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ... Trong khi đó, miền Trung - Tây Nguyên không ghi nhận biến động mới về giá. Hai tỉnh Nghệ An thu mua thấp nhất với 47.000 đồng/kg và Bình Thuận thu mua cao nhất khu vực với 52.000 đồng/kg. Ở miền Nam, giá lợn hơi chững lại so với cuối tuần trước, dao động 50.000 - 52.000 đồng/kg. Cà Mau và Bạc Liêu có mức giá cao nhất khu vực với 52.000 đồng/kg.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho rằng, tình trạng trên chủ yếu do cung vượt quá cầu. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát gần đây khiến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bán tháo với số lượng lớn gây dư thừa nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, năm 2020 nguồn cung rất thấp so với cầu, thời điểm đó chăn nuôi lãi nhiều nên các doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn. Có doanh nghiệp tăng đàn 10.000 con lợn nái, tương đương thêm 100.000 con lợn thịt/chu kỳ (mỗi năm có hai chu kỳ).
Cũng từ năm 2020, vì thiếu nguồn cung, Chính phủ cho phép nhập thịt lợn nước ngoài, không áp dụng hạn ngạch. Những doanh nghiệp vẫn còn hợp đồng với các công ty nhập khẩu nước ngoài vẫn phải liên tục nhập về. Chỉ trong tháng 1.2023, đã nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD.
Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như người dân thắt chặt chi tiêu; sau dịch Covid-19, người tiêu dùng càng quan tâm đến sức khỏe, thịt chứa nhiều cholesterol dần không còn là lựa chọn hàng đầu. “Từ năm ngoái đến nay, toàn ngành chăn nuôi đang trong tình trạng thua lỗ, không riêng gì chăn nuôi lợn”, ông Đoán cho biết.
Kỳ vọng phục hồi từ quý II
Với tình hình hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhận định, phải đến đầu quý II.2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, từ đó mới giúp sức tiêu thụ thịt tăng lên.
Hiện, Việt Nam đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II.2023, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm dần so với hiện tại.
Để ổn định tình hình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho rằng phải kiểm soát được việc nhập khẩu thịt. Cần tập trung vào công tác thống kê để có hạn ngạch đúng mức cho các đơn vị. Giai đoạn này, giá bán thức ăn chăn nuôi của nước ngoài chỉ bằng 50 - 70% so với Việt Nam, do đó cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, tìm cách hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.
Dù có nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi vẫn phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Năm 2023, ngành phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, tăng 5 - 5,5% so với năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%.
Thời gian tới, Cục sẽ chủ động tham mưu và chỉ đạo tích cực các giải pháp điều hành quản lý, phát triển sản xuất. Tập trung đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn... Phối hợp với Cục Thú y và các địa phương trong triển khai phòng, chống dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng...
Bên cạnh đó, tập trung công tác khuyến nông đối với các vật nuôi năng suất và chất lượng cao như lợn hướng nạc, gia cầm… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất chế biến thịt lợn phục vụ cho xuất khẩu. Sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, nguồn phụ phẩm của nông - lâm - nghiệp, giảm giá thành sản phẩm. Nắm bắt thực tiễn thị trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi. Đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác này.