Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Long.
Tri ân các thương binh và thân nhân gia đình liệt sỹ
- Vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội chính là việc còn một bộ phận người có công vẫn thuộc diện hộ nghèo đang vươn lên thoát nghèo. Vậy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp gì để chăm lo và tiến tới xóa bỏ hộ nghèo thuộc diện này, thưa ông?
- Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì luôn là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để tri ân và tôn vinh người có công. Trong thời gian qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thì nhiều chính sách đã thực hiện một cách triệt để, toàn diện. Hiện nay, Nhà nước đã dành 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện chi trả cho 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu người có công đã hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 14 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người công cách mạng thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, có nhiều giải pháp gắn liền với các chế độ an sinh xã hội như xóa nhà dột nát cho các hộ có thành viên là người có công…
Tôi cho rằng, cùng với các chính sách an sinh xã hội, chế độ với những người có công, các gia đình thương binh, liệt sỹ đã được thực hiện thì cùng với sự quan tâm, đồng hành của của cả cộng đồng thì chắc chắn là đời sống của người có công, các gia đình chính sách… sẽ được nâng lên. Theo thống kê, đến nay có 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú…
- Ngoài vấn đề chăm sóc, hỗ trợ người có công thoát nghèo, hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Vậy vấn đề này được triển khai thế nào, thưa ông?
- Chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở cũng là một chính sách lớn mà trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung thực hiện. Qua hai giai đoạn, từ năm 2013 đến nay đã có gần 400.000 nhà được thực hiện với số kinh phí bố trí từ nguồn lực của Trung ương và địa phương là hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát thì vẫn còn hơn 80.000 hộ người có công còn khó khăn về nhà ở.
Trước tình hình đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phương án để tiếp tục thực hiện những chế độ và chính sách ưu tiên về nhà ở cho 80.000 hộ người có công còn khó khăn về nhà ở nói trên. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
- Việc chăm lo đời sống các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Đảng, Nhà nước quan tâm, người dân ủng hộ dõi theo và ngoài việc thực hiện đúng chính sách pháp luật với người có công thì các địa phương còn có thêm những hành động thiết thực cụ thể gì nhằm tôn vinh, giúp đỡ tạo phong trào đền ơn đáp phát triển nghĩa sâu rộng?
- Hiện nay, cả nước còn 2.988 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Theo quy định của pháp luật. chế độ của Nhà nước thì mức chế độ trợ cấp cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng tương đương với ba lần mức chuẩn, mức chuẩn hiện nay là 1.624.000 đồng và theo quy định chuẩn mới thì mức trợ cấp sẽ là 2.055.000 đồng.
Như vậy, chế độ chính sách, Pháp lệnh ưu đãi người có công đã được thay đổi, bổ sung thì có rất nhiều chế độ chính sách khác về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng thay đổi theo hướng được nâng cao hơn. Cùng với đó là sự quan tâm, thực thi các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thì các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân cũng hết sức quan tâm, giúp đỡ, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Không ít, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm đã thực hiện đỡ đầu, chăm lo cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng tháng có những phần quà rất là cụ thể, ý nghĩa để cải thiện đời sống và thu nhập, chăm lo sức khỏe tốt hơn cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Thực hiện hiệu quả chính sách với người có công
- Điều còn băn khoăn lâu nay trong thực thi chính sách pháp luật người có công là thủ tục giấy tờ rất khó vì tính lịch sử, trong chiến tranh có việc khó kiểm chứng được như quy định. Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, thực hiện chính sách người có công đến thời điểm này?
Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là một nội dung xuyên suốt qua các thời kỳ. Nhưng ở giai đoạn nào thì Đảng, Nhà nước cũng quan tâm, chú trọng chỉ đạo giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đặc biệt, 5 năm gần đây theo đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 408 để thực hiện giải quyết chính sách về hồ sơ tồn đọng. Qua 6.000 hồ sơ còn tồn đọng tại các địa phương ở cấp sở, ngành… chúng tôi cũng đã xem xét và thực hiện việc công nhận đối với 2.600 liệt sỹ, hơn 2.400 thương binh, các hồ sơ khác cũng đã được trao đổi, xử lý thấu tình đạt lý, nếu không đủ điều kiện thì cũng có câu trả lời cụ thể với địa phương. Đến nay, việc thực hiện chính sách về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng cũng đã được đưa vào Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và Nghị định 131 cũng có những quy định chi tiết về các biện pháp thi hành ưu đãi với người có công… Trong đó có một chương dành để tổ chức tiếp tục thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đối do trong chiến tranh có việc khó kiểm chứng. Các quy định và quy trình triển khai với các bước được thực hiện rất chặt chẽ, minh bạch, công khai và tạo mọi điều kiện để xem xét, xác nhận người có công với cách mạng…
- Trong lập hồ sơ người có công có những lo ngại kết quả giám định, cũng như thời gian giám định quá lâu sẽ tác động tới kết quả, khiến cho kết quả không chính xác. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Việc mà tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin và xác định danh tính cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn vừa qua. Để thực hiện tốt Quyết định số 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ cũng được phân công rõ ràng cho các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Trong đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan thực hiện chuyên đề về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra rất nhiều các mục tiêu, yêu cầu và giải pháp để thực hiện. Tôi cho rằng, với quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng và các địa phương cùng những đồng đội, đồng chí của các liệt sỹ thì chúng ta cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin một cách hiệu quả hơn…
- Xin cảm ơn ông!