Nguồn: vietq.vn |
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai đến nay, gói tín dụng phục vụ tái canh cà phê mới chỉ giải ngân được 585 tỷ đồng. Lý giải về việc gói tín dụng được giải ngân chậm, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho biết, diện tích trồng cà phê trên cả nước hiện đã đạt 641.000ha, trong khi Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam mới xác định sẽ phát triển lên 500.000ha vào năm 2020. Diện tích canh tác vượt quá quy hoạch nên Agribank vẫn chưa xây dựng xong phương án cho vay tái canh cây cà phê. Các chi nhánh của ngân hàng này cũng chưa biết được khu vực cụ thể có quy hoạch tái canh để làm cơ sở cho vay.
Nhưng có thể thấy, nguyên nhân chính vẫn là người trồng cà phê không còn khả năng thực hiện việc tái canh, vì nhiều năm qua sản xuất cà phê không có lãi, nên họ không thể tích lũy đủ vốn cho công việc này. Chưa kể, thời gian tái canh cần đến khoảng 5 – 6 năm, mà các vườn cà phê già cỗi hiện vẫn có thể cho thu hoạch được. Mặt khác, để tái canh, khách hàng phải vay số vốn lớn nhưng tài sản trên đất của nông dân như nhà cửa, vườn cà phê đa số chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu đất. Vì vậy, ngân hàng không thể xác định giá trị tài sản thế chấp để hoàn thiện đăng ký giao dịch bảo đảm – yếu tố cơ bản nhất của một hợp đồng vay vốn. Bên cạnh đó, đối với vấn đề bảo đảm tiền vay là giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế luôn cao nhưng khi xác định giá để thế chấp thì xác định theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh quy định. Điều này đã khiến cho ngân hàng và người vay bất đồng quan điểm về định giá tài sản, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn vay.
Dù với lý do là gì đi chăng nữa, thì với 140.000 – 160.000ha cà phê trên cả nước già cỗi cần phải thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới, trong đó tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên, thì việc tăng giải ngân tín dụng cho tái canh cây cà phê là yêu cầu vô cùng bức thiết. Nếu không, sản lượng và chất lượng cây cà phê của nước ta nói chung, và Tây Nguyên nói riêng sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng đã đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 theo đề nghị của NHNN, với nguồn vốn từ 12.000 -15.000 tỷ đồng. Đối tượng vay là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thực hiện tái canh cây cà phê sẽ được ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay là 8 năm đối với việc tái canh theo phương pháp trồng mới; cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay 4 năm đối với tái canh theo phương pháp ghép cải tạo cà phê. Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố nhưng không vượt quá 7%/năm. Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố hằng năm trên cơ sở lãi suất huy động bằng VNĐ trong kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cho vay cộng biên độ 2,5%/năm.
Hy vọng rằng, với những nguồn vốn này, thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn Tây Nguyên thực hiện tái canh cây cà phê, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê nước ta.