Chủ tịch Hồ Chí Minh – giản dị và nhân hậu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng đẹp và là tấm gương cho các thế hệ người con đất Việt về nhân cách chính trị với thái độ rất khiêm tốn, giản dị, nhân hậu. Với tình yêu thương con người vô hạn mà chưa đầy hai mươi tuổi, Người đã một mình vượt trùng khơi đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, giải phóng nhân dân mình thoát khỏi sự chà đạp của chủ nghĩa thực dân. Cũng chính những ngày bôn ba hoạt động ở nước ngoài Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc sống cơ cực của những người lao động ở các thuộc địa. Và cũng từ đó, Người nung nấu trong mình phải quyết tâm tìm con đường giải phóng cho nhân loại khổ đau, trong đó có nhân dân mình, dân tộc mình. Với sự kiên định tuyệt vời về tư tưởng và đường lối cùng với những quyết định lịch sử vô cùng sáng suốt và kịp thời, Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến đích của độc lập, tự do.
Ngày 2.9, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong đó khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
![]() Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử |
Nước nhà được độc lập, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy vậy, vận mệnh đất nước và dân tộc vẫn như “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta. Bên cạnh việc chăm lo những việc lớn lao của dân tộc là đánh đuổi giặc ngoại xâm, Người đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết nạn đói và nạn dốt do chế độ thực dân và phong kiến để lại. Với sự sáng suốt tài tình, Người đã đưa đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đôi dép cao su sờn quai
Với chúng ta, những thế hệ trẻ chưa từng một lần được gặp Bác nhưng vẫn thấy hình ảnh Bác rất đỗi thân quen. Chúng ta không được may mắn để được Bác chia quà hay tặng những kỷ vật như các thế hệ ông cha nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp của Bác qua lời kể của những người từng may mắn được gặp, được làm việc cùng Bác và qua cả những tư liệu còn sống mãi về Bác.
Có lẽ trong mỗi chúng ta, khi nhớ về Bác đều nhớ đến những kỷ vật rất bình dị trong đó, có đôi dép cao su đã sờn quai mà Bác vẫn thường đi. Theo chị Trần Anh Thư, Phòng giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh, đôi dép cao su này được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1960 đến năm 1969, đế dép được làm bằng lốp, quai được làm bằng săm ô tô, chất lượng cao su tốt, không mùi và rất bền. Tuy nhiên, đôi dép ấy đế quai mòn vẹt nhiều do thời gian sử dụng khá dài. Khi Bác mất, đôi dép này đã được đặt dưới chân thi hài của Người tại hội trường Ba Đình Hà Nội, để đồng bào đồng chí trong nước và nước ngoài đến thăm viếng Người. Sau những ngày lễ tang, đôi dép này được đưa về cơ quan CQ 41 A (tức Văn phòng Hồ Chủ Tịch). Đầu năm 1970 đôi dép được trưng bày ở ngôi nhà Bác ở dưỡng bệnh và qua đời. Đến ngày 23.12.1970 đôi dép được chuyển giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh giữ và trưng bày cho đến ngày nay.
Đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Hình ảnh đôi dép cao su đã sờn quai đã gắn bó với Bác với một quãng thời gian dài khiến chúng ta xúc động về một đức tính giản dị và tiết kiệm của Người, vì trong tâm niệm của Người lúc ấy, “nước ta còn nghèo, dân ta chưa được sung sướng, đồng bào miền Nam còn đau khổ”…
Bộ quần áo kaki và quần áo gụ bạc màu
Cả cuộc đời của Bác sống giản dị, hình ảnh ấy của Bác vẫn sáng mãi với thời gian, hình ảnh ấy không chỉ đi vào thơ ca mà còn in sâu vào tâm trí của mỗi người con đất Việt mỗi khi nhớ về Bác: Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Cố nhà thơ Tố Hữu đã từng dành tình cảm kính trọng của mình đối với Bác, đối với chính “một đời thanh bạch chẳng vàng son” của Người. Còn thế hệ chúng ta ngày nay không khỏi xúc động khi được tận mắt nhìn những hiện vật được lưu lại với bộ áo kaki bạc màu mà Người vẫn mặc. Bộ quần áo với chất liệu vải kaki màu vàng đậm do xưởng may 10 thuộc Cục quân nhu Tổng cục hậu cần may, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1959 cho tới ngày Người qua đời. Đây là bộ quần áo mà Hồ Chủ tịch thường mặc khi tiếp khách, khi thăm các địa phương trong nước khi tiết trời se lạnh, đi thăm các nước anh em, bạn bè, dự các hội nghị, các cuộc họp của Trung ương Đảng và Chính phủ.
![]() Bộ quần áo kaki của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trong nhiều thước phim tư liệu về Bác, những hình ảnh của Bác, chúng ta vẫn thấy Bác mặc bộ quần áo gụ giản dị. Người vẫn mặc bộ quần áo này khi làm việc và nghỉ ngơi ở nhà. Đây là bộ quần áo với chất liệu bằng vải Pôpơlin, với áo cổ bẻ, có 3 cúc, không nắp; quần không túi, cạp quần lồng 1 giây vải nhỏ. Người cũng nhiều lần mặc bộ quần áo này khi đi thăm và động viên, đi dự một số hội nghị trong những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến năm 1969.
![]() Bộ quần áo gụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường mặc |
Ngoài ra, trong khu trưng bày về hiện vật của Bác còn có một số hiện vật đã rất quen thuộc với Bác, đó là chiếc gậy song có chiều dài 92cm, đường kính 2cm, một đầu uốn cong dùng làm chỗ tay cầm chi chống, màu vàng óng, pha nâu do Hợp tác xã thủ công sản xuất hàng mây tre xuất khẩu ở xã châu Khê – Tiên Sơn – Hà Bắc làm năm 1966. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng chiếc gậy này khoảng từ tháng 8.1966 – 8.1969.
![]() Chiếc gậy song mà Bác Hồ vẫn thường dùng |
Bên cạnh đó là chiếc mũ cát hình bầu dục, ngoài bọc vải kaki màu trắng nhạt. Đỉnh mũ chia làm 4 múi, có chop, 4 lỗ thoát hơi. Giáp vành và đỉnh có 10 nếp gấp, phía trong lót vải màu đỏ và xanh.
Hình ảnh chiếc mũ cát quen thuộc của Bác Hồ |
Bộ dụng cụ thể dục của Người
Sinh thời, Người coi việc luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Người cho rằng, dân cường thì nước thịnh. Người mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Người đã từng nói “tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục”, bởi với Người, việc giữ gìn, rèn luyện, nâng cao sức khỏe trước hết là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được lâu hơn nữa, dài hơn nữa.
![]() Dụng cụ tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Hiện trong Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày các dụng cụ quen thuộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dùng khi tập thể dục đó là quả chùy dài 22cm, sơn xanh, hai đầu tròn, giữa là tay cầm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ năm 1967 – 1969.
Và chiếc đồng hồ nhãn hiệu Germany
Tại khu trưng bày, có hình ảnh một chiếc đồng hồ được để ở vị trí riêng, trang trọng, đó là chiếc đồng hồ nhãn hiệu Germany (Đức). Chị Anh Thư cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng đồng hồ này khoảng từ năm 1967. Đây là chiếc đồng hồ để trong phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm chữa bệnh trong những ngày cuối đời. Trên đồng hồ, kim đồng hồ dừng lại ở điểm 9h47’- thời khắc Người trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2.9.1969.
![]() Đồng hồ trong phòng chữa bệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ giờ phút Người từ trần. 1969 |
Bên cạnh khu trưng bày hiện vật, đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh vào những ngày này, gần ngày sinh nhật Bác – ngày 19.5, tôi cũng như rất nhiều khách tham quan đều chăm chú nhìn lên một bức ảnh Bác đeo kính, với chòm râu dài và bạc với nụ cười hiền hậu. Bức ảnh được chú thích với dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh.1969. Bên dưới là dòng chữ “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là, tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
![]() |
Không hiểu sao khi nhìn bức ảnh này của Bác, khi tận mắt đọc những dòng chữ này, bỗng tôi thấy mắt mình cay cay…