Giữ trang nghiêm 3.060 phần mộ liệt sĩ
Cựu chiến binh Lê Quang Trung (SN 1960), là quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nơi yên nghỉ của 3.060 phần mộ liệt sĩ đến từ khắp mọi miền đất nước, trở về từ nhiều chiến trường. Trong đó, hơn phân nửa là mộ liệt sĩ chưa biết tên.
Khi phóng viên đến nghĩa trang lúc sáng sớm, ông Lê Quang Trung đã hoàn thành một phần công việc là giữ cho khuôn viên của nghĩa trang sạch sẽ và trang nghiêm nhất. Công việc ấy đều đặn 365 ngày, trải suốt hơn 13 năm nay.
“Tôi dậy từ lúc 4 giờ 30 phút, có lúc thao thức không ngủ được, nhưng đúng tầm ấy là dậy và bắt tay vào quét dọn nghĩa trang. Những ngày hè thì dậy sớm làm kịp trước khi nắng gắt. Hôm nào mưa, quét cực hơn chút”, ông Lê Quang Trung cho biết.
Cách người cựu binh lớn tuổi quét sân, dọn cỏ cũng thật đặc biệt, như sợ rằng nếu lỡ mạnh tay các đồng đội sẽ tỉnh giấc. Mỗi nhát quét rất gọn, dứt khoát nhưng để lại ít tiếng động nhất. Từng chiếc lá vàng rơi, ngọn cỏ cũng được ông nhẹ nhàng thu dọn. Bàn tay đã chai sờn màu thời gian chỉnh lại chân hương và nhành sen hồng thắm, cựu chiến binh Lê Quang Trung cho biết: “Thời gian ở đây, chứng kiến nhiều gia đình đi tìm thân nhân, hàng nghìn đoàn người đến viếng. Nghĩa trang nghe thì thầm lặng, nhưng là nơi xôn xao nhiều nhất những tâm sự, nỗi lòng và tiếng khóc không thể bật thành tiếng”.
Ông Lê Quang Trung vốn sinh ra trong một gia đình nghèo. Vừa tròn 18 tuổi, ông lên đường tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến trường khốc liệt. Sau đó, do bệnh nặng trên chiến trường nên được đưa về hậu phương chữa trị. Đi qua tàn khốc của chiến tranh, cựu chiến binh Lê Quang Trung thấm thía hơn cái giá của hòa bình, để biết ơn và dành quãng đời còn lại chăm sóc cho giấc ngủ của những người đồng đội, đồng hương, cả những liệt sĩ chưa một lần thấy mặt, gọi tên.
Theo ông, công việc này là cách để bản thân được gần gũi hơn với đồng đội, được “canh giấc” cho các đồng đội yên nghỉ, để ở thế giới bên kia họ luôn thấy ấm lòng.
Day dứt cùng thân nhân liệt sĩ
Canh giấc cho 3.060 phần mộ liệt sĩ, quản trang Lê Quang Trung nhớ rõ từng hàng lối, vị trí của những người đồng đội. Để mỗi khi có thân nhân đến hỏi thăm, ông lại chỉ dẫn đến đúng địa điểm và vị trí. Trước đây, công việc quản trang có hai người nhưng người kia đã nghỉ, lâu nay chỉ còn ông Trung, công việc vì thế cũng vất vả hơn.
Những đợt tỉnh Quảng Bình đón hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, người quản trang lại dâng trào cảm xúc như ngôi nhà có thêm người con trở về. Vào mỗi dịp đón hài cốt, ông lại hồi hộp thức trắng đêm sắp xếp, chuẩn bị các phần việc liên quan để đón đồng đội về với đất mẹ sau bao năm đằng đẵng nằm lại xứ người. Mãi đến khi hoàn tất việc an táng, ông mới thở phào.
Năm 2014, cựu chiến binh Lê Quang Trung cho biết, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ của con em, người thân, họ là những người từ tỉnh xa đến và cũng khó khăn. Nhìn sự nhọc nhằn của người mẹ tìm con, anh em tìm người thân, ông không khỏi xót xa và luôn chân thành mời những người lạ cùng dùng bữa cơm, rồi tiễn chuyến xe đò.
Trong chuyến viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, phóng viên may mắn được gặp các gia đình thân nhân liệt sĩ vượt quãng đường dài để đến thắp nén nhang cho người thân nơi chín suối.
“Em trai tôi chiến đấu ở chiến trường biên giới từ năm 1973 rồi sau đó mất liên lạc. Nhiều năm qua tôi không biết phần mộ của em trai nằm ở đâu, không biết bắt đầu từ đâu mà tìm. Thì 1 tháng trước, trùng hợp và may mắn thế nào có người quen đi tìm đồng đội và nhắn về mới biết phần mộ nằm tại đây, nên đã ngay lập tức vào Quảng Bình, thắp nén nhang cho em trai”, cựu chiến binh từ Hà Nội cho biết.
Đôi chân của ông cũng khập khễnh do thương tích trong chiến tranh để lại. Người quản trang đã tận tình hướng dẫn để gia đình có thể thay mặt đá mới cho phần mộ, cũng như giúp gia đình toại nguyện được đón thân nhân về quê nhà trong thời gian tới.
Công việc quản trang càng về già càng để lại nhiều trầm tích lắng đọng trong lòng cựu chiến binh Lê Quang Trung. Bởi đây không chỉ là công việc lao động đơn thuần mà được thực hiện bằng sự tận tâm, tấm lòng và tinh thần của người đồng chí, đồng đội... đã may mắn bước ra khỏi chiến tranh, quý trọng từng ngày hòa bình để canh giấc ngủ cho đồng đội - những người đã góp phần vẽ nên dáng hình Đất nước.