Báo cáo Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, nhằm góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về khái niệm thỏa thuận quốc tế (khoản 1 Điều 2), tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được thể hiện theo hướng: “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”.
Về phạm vi điều chỉnh, Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, quy định như vậy vẫn còn hẹp, chưa bảo đảm toàn diện, bởi dự thảo Luật còn đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng bao gồm cả nguyên tắc, nội dung ký kết thỏa thuận quốc tế, trách nhiệm quản lý nhà nước… Đây là những nội dung quan trọng và xuyên suốt được thể hiện trong dự thảo Luật. Do đó, ĐB Trần Văn Lâm đề nghị, cần bổ sung về nguyên tắc, nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước để dự thảo Luật toàn diện và bao trùm hơn, đúng với các nội dung được thể hiện xuyên suốt trong dự thảo.
Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế (Điều 7), có ý kiến cho rằng, thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt để thể hiện tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3, Điều 5), đồng thời bảo đảm sự linh hoạt khi ký kết các thỏa thuận quốc tế nhiều bên.
Tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung quy định về ngôn ngữ ký thỏa thuận quốc tế như sau: “Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài” (Khoản 1, Điều 7).
Tuy nhiên, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, cần cân nhắc xem xét sửa đổi quy định Khoản 2, Điều 7: “Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt, gửi kèm hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế và hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các Điều 27 và 28” theo hướng ngôn ngữ được ký kết trong các thỏa thuận quốc tế phải được thể hiện bằng Tiếng Việt và bằng ngôn ngữ của bên ký kết. Trường hợp 2 bên thỏa thuận ký kết bằng ngôn ngữ thứ 3 thì phải có văn bản bằng Tiếng Việt và bảo đảm tính chính xác về nội dung, thống nhất về hình thức với văn bản tiếng nước ngoài trong thỏa thuận quốc tế. ĐBQH Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) đề nghị thêm, cần quy định văn bản thỏa thuận phải được lập và ký kết bằng cả Tiếng Việt và tiếng nước ngoài, đồng thời 2 văn bản này có giá trị pháp lý ngang nhau để thể hiện lòng tự tôn ngôn ngữ của dân tộc.