Chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng
Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, có chi phí lên tới 53 triệu USD, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhằm mục tiêu xây dựng thí điểm tuyến BRT đầu tiên tại Hà Nội với chiều dài 14,7 km, bắt đầu từ bến xe Yên Nghĩa và kết thúc tại bến xe Kim Mã.
Thực tế cho thấy, dù đưa vào vận hành từ năm 2017 nhưng hiệu quả của xe buýt BRT chưa thật sự đáp ứng đúng với “tiềm năng” và kỳ vọng, lượng người sử dụng không cao. Hình ảnh thường xuyên được nhìn thấy của tuyến BRT tại Hà Nội chủ yếu gắn với tắc đường, ùn ứ, các phương tiện giao thông khác nhau, đặc biệt là xe máy thường xuyên đi lấn vào làn BRT tại các khung giờ cao điểm.
Trục đường Tố Hữu – Lê Văn Lương thường xuyên trong tình trạng quá tải, một phần bởi lượng phương tiện giao thông tập trung lớn tại khu vực này, cũng như 1/3 làn đường đã để dành riêng cho làn BRT, gây ra ùn ứ, thậm chí tắc đường cục bộ. Nhiều chủ phương tiện xe máy sẵn sàng “lao” thẳng vào làn BRT để thoát tắc, khiến xe buýt nhanh trở thành xe buýt thường, không còn khả năng di chuyển theo đúng mục đích ban đầu. Việc triển khai đơn tuyến, hạ tầng vận tải công cộng chưa phát triển đồng bộ là một trong những nguyên nhân khiến BRT không thể phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Cần giải pháp lâu dài
Việc Sở GTVT Hà Nội đề xuất cho một số xe vận tải khách sử dụng chung hạ tầng của BRT chỉ nên xem là giải pháp tình thế trong khi chờ thành phố hoàn thiện kết nối hệ thống phương tiện, hạ tầng cho giao thông công cộng. BRT sẽ không thể nào tồn tại nếu chỉ có một tuyến đường ngắn như hiện tại, lại không được kết nối với các loại hình phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt thường...
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết việc tổ chức cho sử dụng chung làn đường chắc chắn chỉ thực hiện trong một giai đoạn, phù hợp với điều kiện hiện nay, theo phương châm ưu tiên cao nhất cho xe buýt BRT. Khi buýt BRT hoạt động đúng công suất, tính hấp dẫn tăng lên, khách đi lại đông hơn thì chúng ta sẽ tổ chức lại giao thông. Theo Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, đây là một đề xuất để thí điểm nhằm tìm ra cách tổ chức giao thông tối ưu, đồng thời hạn chế tối đa việc lấn làn xe buýt BRT nếu được phê duyệt sẽ tổ chức công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Không chỉ riêng BRT mà xe buýt truyền thống và tàu điện trên cao đều là những phương tiện công cộng cần mạng lưới kết nối đồng bộ thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu chỉ vận hành duy nhất một tuyến đường thì sẽ không thể thu hút người dân tham gia. Khách quan hơn, đối với những loại hình vận tải công cộng như thế này, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, điều chỉnh từng bước để giải quyết tình trạng ùn tắc và khai thác hiệu quả mà BRT, xe buýt truyền thông và tàu điện trên cao mang lại.