Không thể tầm soát trước sinh
Ốc tai điện tử là một phương pháp chữa điếc hiệu quả cho những bệnh nhân khiếm thính, đặc biệt là các bệnh nhi điếc bẩm sinh hoặc những người bị điếc nặng. Đây là một hệ thống điện tử phức tạp được cấy ghép vào bộ phận tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác nhằm phục hồi chức năng nghe cho những bệnh nhân bị khiếm thính.Về thực tế, phương pháp này xuất hiện khá lâu đời, và được áp dụng lần đầu tại Việt Nam vào những năm 1998. |
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em mắc khiếm thính cao, tỷ lệ trẻ khiếm thính khoảng 3/1.000, tức là cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 3 trẻ bị khiếm thính. Song, đa số chỉ được phát hiện khi trẻ không biết nói và đã 2 - 3 tuổi. Theo Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương Nguyễn Tuyết Xương, hiện nay vẫn chưa có một phương pháp nào để phát hiện khiếm thính khi trẻ còn trong bụng mẹ. Tất cả các cơ sở y tế trên cả nước chỉ khám sàng lọc khiếm thính khi trẻ vừa mới sinh. Trẻ bị khiếm thính sẽ dẫn đến câm điếc bẩm sinh, chậm phát triển nhận thức và không thể hòa nhập với cộng đồng.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, những trẻ sau khi sinh bị vàng da, tai biến sản khoa, sốt huyết não… sẽ có nguy cơ cao bị khiếm thính và cần được khám sàng lọc ngay lập tức. Mặt khác, các bà mẹ nên kiểm tra thính lực của con bằng những bài thử đơn giản, như trẻ 3 tháng tuổi sẽ biết phản xạ hay giật mình trước tiếng vỗ tay, hắt hơi; trẻ từ 6 tháng tuổi có thể nhận ra giọng nói và tiếng bước chân của người mẹ, nếu như con không có những phản xạ đó, các gia đình đưa con đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương cũng chỉ ra rất nhiều phương pháp để điều trị khiếm thính bẩm sinh. Nếu như ở mức nhẹ, phát hiện sớm, chúng ta có thể điều trị ngôn ngữ (cho trẻ tập đọc khẩu hình người đối diện) và cho trẻ tập nghe. Nếu nặng hơn thì cần đeo máy trợ thính hoặc cấy ốc tai.
Chị Phan Thị Hồng, mẹ bệnh nhi Nguyễn Hoàng Linh (6 tuổi) bị khiếm thính bẩm sinh cho biết, trước đây chị chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng sao cho con cao lớn chứ không để ý những bất thường trong giao tiếp của bé. Cho đến khi con được 30 tuần tuổi mà chưa biết nói và nhận thức được mọi việc chị mới đưa con đến bệnh viện để kiểm tra thì phát hiện cháu bị khiếm thính bẩm sinh. Sau hai năm kiên trì, nhờ có công nghệ Ốc tai điện tử, hiện bé Linh không những biết gọi bà, gọi mẹ mà còn có thể tự giới thiệu về bản thân, về gia đình, hòa nhập với xã hội. Những câu nói tưởng chừng như đơn giản của trẻ thơ nhưng với gia đình chị Hồng thật là quý giá. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chị chia sẻ, “tôi chỉ mong con lớn lên bằng bạn bằng bè, dẫu là rất khó. Tôi cũng mong những bậc phụ huynh hãy để ý hơn đến vấn đề thính lực của con để không rơi vào tình trạng như gia đình tôi”.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em mắc khiếm thính cao - Nguồn: ITN |
Cần tầm soát và chuẩn đoán sớm bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, tuổi nghe của trẻ ngang bằng với tuổi đời, khi trẻ chưa nghe được thì chưa thể nhận thức được, dù 5 tuổi, thể chất phát triển nhưng nhận thức vẫn không hơn đứa trẻ sơ sinh. Các bậc phụ huynh phải nhận thức được 0 - 5 tuổi chính là “giai đoạn vàng” để trẻ tập nói, nếu mất khả năng nghe ở giai đoạn này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ chịu khiếm khuyết về ngôn ngữ và nhận thức suốt đời.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phát hiện khiếm thính ở trẻ thường rất muộn, đa phần sau 2 tuổi nên việc điều trị cả điếc và ngôn ngữ đều rất khó khăn. Trẻ khiếm thính thường chậm nói hoặc không nói được, từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ và gây khó khăn cho việc học tập. Tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh sẽ giúp phát hiện sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ. Trẻ sơ sinh bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói, và phát triển như trẻ bình thường.
“Trẻ khiếm thính có thể có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường nên việc cho trẻ sàng lọc khiếm thính là biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm những vấn đề có liên quan đến thính lực của trẻ để chẩn đoán và can thiệp sớm. Ngoài ra các bà mẹ khi mang thai và sinh cần giành nhiều thời gian chuẩn bị, thăm khám, bồi bổ, tránh cho thai nhi mắc phải các bệnh như sốt huyết não, tai biến thai kỳ hay cảm lạnh” - Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương, ước tính để chữa trị cho một ca khiếm thính bẩm sinh nặng hoặc phát hiện muộn có chi phí xấp xỉ 600 triệu. Số tiền này không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chi trả nên sàng lọc và phát hiện sớm bệnh sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Do đó, bảo hiểm y tế cần có mức hỗ trợ cao hơn đối với căn bệnh khiếm thính, để những bệnh nhân nghèo vẫn có khả năng theo chữa và hòa nhập với cộng đồng.