Gia tăng các vi phạm
Vào các khung giờ đến trường và giờ tan học, trên các tuyến phố của Hà Nội, có nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy chạy ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường… Điều đáng báo động là các bậc phụ huynh dễ dàng chấp nhận cho con em mình dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe trên 50cm3 đến trường. Các điểm trông giữ xe tự phát cạnh trường học cũng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gửi xe của các em, nên rất khó kiểm soát.
Chị Nguyễn Thị Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Tình trạng các em học sinh đi ngược chiều và đi ẩu vẫn xảy ra nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông ở độ tuổi này. Trong quá trình di chuyển, dù đường tan tầm rất đông, nhưng các em học sinh vẫn đi dàn hàng 2, hàng 3 để nói chuyện, khiến nhiều phương tiện ùn tắc. Đó là một trong những ví dụ điển hình của tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là tại các đô thị lớn, phương tiện tham gia giao thông đông đúc.
Trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có nhiều diễn biến phức tạp. Báo cáo tại Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông đối với học sinh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày, từ ngày 15.12.2022 đến ngày 14.10.2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Tỷ lệ tai nạn giao thông xảy ra từ khoảng thời gian 18 - 24 giờ chiếm tỉ lệ cao nhất lên tới 40,25%; từ 12 - 18 giờ chiếm 31,61%; từ 6 - 12 giờ chiếm 21,97%, và từ 0 - 6 giờ chiếm 6,15%.
Tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân, gồm đi không đúng phần đường, làn đường quy định (chiếm 21,41%); không chú ý quan sát (19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (11,77%); tránh, vượt không đúng quy định (7,06%); không nhường đường (4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (3,36%); sử dụng rượu, bia (2,69%); không chấp hành biển báo đường bộ (3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (3,14%).
Điều đáng quan tâm, dù các trường học đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho học sinh và đề nghị phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông, nhưng tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn tái diễn. Đa số các trường đều quy định để bảo vệ ngăn chặn các em không được đi xe trên 50cm3 đến trường, các em lại "lách" bằng cách gửi xe tại các quán nước gần cổng trường, khiến nhà trường khó có chế tài xử lý. Ở độ tuổi từ 16 - 18, hầu hết các em điều khiển phương tiện giao thông theo bản năng, sang đường không quan sát, chuyển làn không xi nhan, đi ngược chiều, chở quá số người quy định... Nhiều em còn không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu ngay trước khu vực cổng trường học, tiềm ẩn gây ra tai nạn.
Nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm vi phạm
Theo Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
"Theo Điều 58 của luật nói trên thì người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Như vậy, học sinh dù ở cấp học nào nhưng chưa đủ 18 tuổi thì không được phép lái xe máy có dung tích xi lanh trên 50cm3. Nếu cha mẹ hay chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính", Luật sư Kiều cho biết thêm.
Thực trạng học sinh hiện nay vi phạm Luật Giao thông đường bộ có trách nhiệm không nhỏ từ các bậc phụ huynh. Do chưa được trang bị kỹ năng lái xe an toàn nhưng nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng giao xe có dung tích lớn cho con em mình sử dụng. Điều này không chỉ gây mất an toàn cho các em, mà còn gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông trên đường. Bởi vậy, mỗi gia đình cần trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe an toàn và quy định về an toàn giao thông.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Để trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho con, tôi thường dành thời gian đưa con ra các bãi đất trống để tập. Sau đó, tôi thường hướng dẫn con tìm hiểu kỹ về Luật Giao thông đường bộ và các quy định về bảo đảm an toàn giao thông; hướng dẫn các con cách điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống phát sinh khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác”.
Tương tự, theo chị Hoàng Thị Diệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) hàng ngày, khi đưa con đến trường chị cũng thường xuyên lấy ví dụ về các vụ tai nạn liên quan đến học sinh hay từ thực tế khi bắt gặp những hình ảnh học sinh điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông như đi dàn hàng, phóng nhanh vượt ẩu và vượt đèn đỏ hết sức nguy hiểm, để nhắc nhở giúp con có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Bên cạnh việc giáo dục, nâng cao ý thức từ phụ huynh, Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý học sinh vi phạm điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ... Riêng với các hành vi cố ý, vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần cần xem xét, xử lý nghiêm để răn đe.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều đề xuất, việc xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông cần phải có sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường. Cần quy định rõ về đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm đối với nhà trường, quy trình xử lý trong nhà trường… Có như vậy, mới xây dựng được ý thức chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ với cả phụ huynh và học sinh.
Song song với đó, nhà trường cần phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý học sinh và ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, thường xuyên tổ chức tuyên truyền và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" trong trường học để học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông.
Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, ngoài việc xử phạt nghiêm thì phụ huynh và nhà trường cần chung tay giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông khi đưa đón con hàng ngày từ những việc nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông... Qua những việc làm đó, mỗi phụ huynh sẽ làm gương để nhắc nhở con em mình tự nâng cao ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.