Đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế
Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành cũng cho biết, một trong những kết quả nổi bật khi thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là đổi mới chương trình đào tạo. Cụ thể, năm 2019, Trường FPT đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng Chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh theo tiêu chuẩn ACBSP của Mỹ. Hiện tại, trường đang thực hiện tự đánh giá 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AQAS của Đức, gồm: Công nghệ thông tin; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Hàn; Ngôn ngữ Nhật.
Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của nền kinh tế đang diễn ra một cách mạnh mẽ, Trường đại học FPT yêu cầu tiếng Anh của các thí sinh phải đạt tối thiểu là trình độ IELTS 6.0.
Với yêu cầu mỗi sinh viên khi ra trường không chỉ đáp ứng về mặt trình độ của thị trường lao động mà phải có kỹ năng xã hội. Do đó, cùng với bảo đảm các kiến thức chuyên sâu cho từng ngành học, thì việc bổ sung các môn kỹ năng mềm trong chương trình học cũng được chú trọng.
Sớm ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến, trong 10 năm qua, kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Đà Lạt, đặc biệt là tuyển sinh hệ chính quy luôn nằm trong nhóm các trường đạt tỉ lệ cao so với trung bình chung của cả nước.
Mở rộng ngành nghề, trình độ đào tạo là một trong những chiến lược quan trọng mà trường tích cực triển khai. Giai đoạn 2015-2017, trường mở thêm được 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 5 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Giai đoạn 2020-2023, trường mở thêm được 10 ngành đào tạo trình độ đại học, 2 ngành đào tạo thạc sĩ, 1 ngành đào tạo tiến sĩ. Nâng tổng quy mô ngành đào tạo lên 58, trong đó có 41 ngành đào tạo đại học, 10 ngành đào tạo thạc sĩ và 8 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Năm 2015, Trường Đại học Đà Lạt đã xây dựng lại toàn bộ các chương trình đào tạo trình độ đại học theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra quốc tế CDIO. Hiện nay, trường đã được cấp chứng nhận đạt kiểm định 8 chương trình đào tạo trình độ đại học. Cùng với kết quả đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng là điểm sáng của Trường Đại học Đà Lạt trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến cũng chia sẻ một số khó khăn. Đó là, công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn trước, đặc biệt là tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế khiến cho việc giữ chân giảng viên gặp khó khăn. Nguồn thu của trường chủ yếu đến từ học phí còn hạn hẹp, dẫn tới hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển.
Trường Đại học Đà Lạt kiến nghị sớm triển khai và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản trọng điểm để có chính sách khuyến khích phù hợp; sớm ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm tính liên thông, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ trong nội bộ lĩnh vực giáo dục mà còn các lĩnh vực khác có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, Nghị quyết 29-NQ/TW có tác động mạnh mẽ đến hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Nếu các trường biết nắm bắt xu hướng, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW sẽ có nhiều cơ hội phát triển để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.