Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khả thi cao; bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn của tỉnh.
Các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm sự ổn định và phát triển của thị trường bất động sản như: tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, kinh doanh bất động sản; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản đã được phê duyệt, các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn, các dự án bất động sản đủ điều kiện chuyển nhượng… Qua đó nhằm ngăn ngừa các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán đền trái quy định pháp luật, đưa thông tin về quy hoạch, thông tin về dự án và giá bất động sản… sai sự thật để trục lợi trên địa bàn.
Về phát triển nhà ở xã hội, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng tại khu vực đô thị là rất lớn, đặc biệt là nhóm đối tượng công nhân, người lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Xã hội hóa chăm lo nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh là chủ trương thiết thực đã được tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Kết quả thực hiện thời gian qua đã tạo ra chỗ ở cho hàng nghìn gia đình công nhân được an cư và yên tâm lao động tại Bình Dương. Tuy nhiên, so với nhu cầu, lượng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu về nhà ở của người lao động.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đánh giá, để công tác phát triển nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu, cần có các giải pháp đồng bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và từ các nguồn vốn khác để xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục phát triển nhà ở xã hội cần được đơn giản hóa và giải quyết nhanh chóng, đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ đầy đủ và hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Bình Dương có những thuận lợi nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn; đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát lại những vướng mắc, bất cập, đối chiếu với các quy định của các luật có liên quan mới ban hành, xem xét những khó khăn, vướng mắc nào chưa được tháo gỡ để tổng hợp gửi Tổ công tác; kiến nghị của các đơn vị sẽ được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.