
Thực trạng báo động
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng này có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều vào dịp chuẩn bị nghỉ hè và những tháng trẻ nghỉ hè. Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh như: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai... đã xảy ra những vụ đuối nước đáng tiếc, phần lớn là trẻ nhỏ và học sinh, đây là mối đe dọa lớn nhất khi kỳ nghỉ hè đang đến gần.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước: Do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn cũng như hướng dẫn của nhân viên chuyên môn khi trẻ em đi bơi hoặc vui chơi giải trí dưới nước. Phần nữa, do thiên tai bão lũ và trẻ em sống trong môi trường không an toàn ngay tại gia đình, cộng đồng như: ao, hồ, giếng nước, cống rãnh, các hố sâu công trình xây dựng không có rào chắn, nắp đậy, các khu vực nguy hiểm tại sông, biển không có biển báo và các biện pháp ngăn chặn trẻ em đi bơi ở khu vực này...
Còn nhiều khó khăn
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước phát triển, bà Nguyễn Thị Chiên - Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng Cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận định: Việt Nam có bờ biển dài hơn 3200 km, có trên 2.300 sông, kênh, rạch và một số lượng lớn suối, ao, hồ…tạo nên điều kiện tự nhiên lý tưởng, nhưng cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Mặt khác, cả nước vẫn còn nhiều địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, miền Trung do ảnh hưởng khí hậu bão, lũ, dẫn đến nhiều hộ gia đình khó khăn, trẻ em không những không được quan tâm, giám sát, trông coi của người lớn mà còn phải lao động sớm tại các khu vực sông nước, đồng ruộng và những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Thêm nữa, tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu bể bơi và thiếu các điều kiện đảm bảo về chuyên môn để trẻ em được học bơi an toàn, vui chơi giải trí, ngăn ngừa tình trạng đuối nước, nhất là ở vùng nôn thôn, khu vực miền núi…
Cùng chung tay góp sức
Bà Nguyễn Thị Chiên - Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng Cục Thể dục thể thao cho rằng, xuất phát từ những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước cho thấy công tác phòng, chống đuối nước không phải trách nhiệm của riêng ai mà là chung của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, mỗi bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm, đầu tư và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn để cùng chung tay, góp sức trong công tác phòng, chống đuối nước.
Đối với mỗi người dân, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, các em học sinh, thiếu niên, nhi đồng có trách nhiệm tích cực tập luyện môn bơi và là tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè của mình cùng tập luyện kỹ năng bơi, trang bị kiến thức, phòng chống đuối nước.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Thể dục Thể thao đã và đang hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi, tức là công nhận trẻ em biết bơi không chỉ quy định các em bơi được xa, bơi nhanh mà còn phải nắm bắt được kiến thức phòng, chống đuối nước, thực hành tốt các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Ngoài ra, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch khuyến cáo, trẻ em dưới 18 tuổi dù đã biết bơi giỏi, thực hành tốt kỹ năng cứu đuối an toàn thì cũng không được xuống nước để cứu đuối trực tiếp bởi vì ở độ tuổi này các em chưa đủ khả năng để xử lý các tình huống xảy ra, nhất là các tình huống bấu víu của người bị đuối nước. Đồng thời, phối hợp Cục Trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Đội TW, Vụ Giáo dục Thể chất, các đơn vị chức năng thuộc 9 Bộ, ngành, đoàn thể liên quan triển khai Kế hoạch liên ngành về công tác Phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (do Bộ LĐTBXH thường trực). Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục các nguyên nhân dẫn đến người dân và trẻ em bị đuối nước.