Ngôi trường đặc biệt của học sinh người Mã Liềng - Trường Mầm non Lâm Hóa tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, hằng ngày các cô giáo phải vượt quãng đường xa, chở cơm đến tận bản cho học sinh bán trú.
Trường Mầm non xã Lâm Hóa hiện có 4 điểm trường với 19 giáo viên, nhân viên và 115 em học sinh, đặc biệt 3 điểm trường nằm ở các bản Kè, Cáo và Chuối hết sức khó khăn, học sinh đều là con em đồng bào Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt.
Tại Lâm Hóa, học sinh mầm non ở các điểm đều ăn bán trú, một bữa chính và một bữa phụ. Thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các điểm trường lẻ không thể tự nấu ăn cho trẻ, bởi vậy từ cơm trưa, cháo chiều đều phải vận chuyển từ điểm trường chính. Mỗi điểm trường lẻ có 2 giáo viên cắm bản, các cô cứ chia nhau ngày 2 lần xuôi về trung tâm để vận chuyển cơm, cháo cho học trò.
Cô Phạm Thị Kim Hương, giáo viên cắm bản tại điểm trường bản Chuối đã có gần 10 năm gắn bó với những đứa trẻ người Mã Liềng. Suốt hành trình đó, cô Hương đã trải qua rất nhiều kỷ niệm, niềm vui và cả nỗi buồn, không biết bao nhiêu lần cô giáo này đã bật khóc trên con đường đi lấy cơm cho trẻ.
“Cứ 10 giờ trưa là mình lại chạy xe máy xuôi về trung tâm chở cơm lên cho các cháu, đầu giờ chiều lại tiếp tục đi lấy bữa phụ. Ngày nắng ráo đã vất vả, đến ngày mưa gió thì gian nan không kể xiết. Đường trơn, bùn lầy, có hôm về đến gần bản rồi lại bị ngã xe đổ hết cơm, canh của cháu, người còn bị thương. Xách những hộp rỗng còn lấm bùn đất vào lớp, nhìn học trò đang chờ cô về, mình đã không kìm nổi nước mắt, òa khóc ngay tại lớp khiến các con cũng khóc theo", cô Hương xúc động kể.
Với đặc thù là điểm trường nằm ở các bản làng dân tộc, suy nghĩ, ý thức về việc học tập cho con cái của đồng bào còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy muốn trẻ đến trường, các cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh, đưa các em về lớp.
Nhiều phụ huynh đến nay vẫn bỏ mặc việc con có đi học hay không, họ không chịu đưa trẻ đến trường. Vận động không được, các cô giáo cắm bản tại Lâm Hóa vì thương học trò, đã cố gắng dậy từ sáng sớm, thay phiên nhau vào gõ cửa từng nhà sàn, đón trẻ ra trường, dạy dỗ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu, hết ngày lại dẫn học trò về trở lại nhà.
Cô giáo Cao Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Hóa cũng chia sẻ, các cháu mầm non ở Lâm Hóa rất thích đi học bởi đến lớp được các cô cho ăn cơm no, được uống sữa, ăn bánh, chứ ở nhà thì chẳng có, nhiều lúc còn bị đói. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cô giáo đều phải nỗ lực và bám bản, bám dân, chăm lo cho học trò.
Theo cô Ánh, ngoài nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày, các cô giáo còn thường xuyên vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các cháu có cuộc sống no đủ hơn.
Cũng như cô Hương, mỗi khi nhắc đến những tai nạn trên hành trình đưa cơm về bản, cô Trần Thị Huyền Trang, giáo viên Trường Mầm non Lâm Hoá lại sụt sùi, buồn tủi.
Con đường từ bản về trung tâm cũng hơn 5km, đường vòng vèo, trơn trượt, lại còn phải đi qua cầu treo chênh vênh, việc bị ngã xe với các cô giáo như cơm bữa. Tất cả vì học trò của mình, các cô giáo lại càng cố gắng hơn để vượt qua. Như cô Trang tâm sự, điều sợ nhất không phải ngã xe, chấn thương, mà là học trò không còn cơm để ăn. Có hôm cô giáo đưa cơm về dọc đường thì bị đổ, ở trung tâm cũng không nấu kịp, thế là cô phải lặn lội đi mua mì tôm nấu cho các cháu.
Ngày 20.11, với giáo viên miền xuôi, sẽ có những lời chúc, bông hóa chúc mừng của học trò, của phụ huynh, nhưng đối với giáo viên cắm bản thì đó là một điều xa xỉ.
Với những giáo viên nơi miền biên viễn, nụ cười mỗi ngày của học trò, nhìn thấy các em được sống vui tươi, khỏe mạnh học tập là món quà ý nghĩa, vô giá nhất trong ngày 20.11 và cho sự nghiệp gieo chữ nơi vùng xa, biên giới.