Nhiều hệ lụy
Ý thức rõ tầm quan trọng của vấn đề dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, “Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030” đã được đề ra, cùng nhiều quyết định, chương trình hành động để cụ thể hoá chiến lược. Nhờ đó, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì đến nay. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, dù, hệ thống y tế đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ tránh thai cho người dân, song vẫn còn nhu cầu lớn chưa được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại. Thực trạng này, đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ, cũng như áp lực lên hệ thống y tế quốc gia và những tác động lớn về kinh tế-xã hội.
Theo thống kê của Viện Guttmacher năm 2022, Việt Nam có 3,7 triệu phụ nữ mang thai hằng năm. Trong đó, có 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn (59%), có 1,6 triệu ca nạo phá thai (75%). Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của Việt Nam đang ở mức 86%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia (40%), Philippines (71%), Thái Lan (38%).
Nước ta hiện có khoảng 25 triệu nữ giới đang ở độ tuổi sinh sản; trong đó, khoảng 3,3 triệu người nằm trong độ tuổi từ 15-19 và 170.000 người muốn phòng tránh thai. Khoảng 16 triệu nữ giới ở độ tuổi từ 15-49 chưa có mong muốn xây dựng gia đình, trong đó 21% có nhu cầu về phòng tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Nhiều người trong số đó đang sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và không đáng tin cậy, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, kéo theo tình trạng về suy dinh dưỡng ở trẻ em. Chưa kể, tác động kinh tế - xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn, nước ta phải chi tiêu khoảng 600 triệu USD/năm cho vấn đề này gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp, nghỉ sinh…
Giáo dục giới tính quy mô lớn
Để giảm bớt tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, nhiều ý kiến cho rằng, cần cải thiện các chính sách về sức khỏe sinh sản, xã hội bằng cách đầu tư vào các chương trình giáo dục giới tính quy mô lớn, kết hợp với các chiến dịch truyền thông để tuyên truyền biện pháp tránh thai đúng đắn, an toàn và hiệu quả cho trẻ vị thành niên từ sớm. Đồng thời, tập trung xây dựng các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận các biện pháp phòng, tránh thai hiệu quả và tin cậy, tăng cường đầu tư các dịch vụ y tế về sinh sản và tình dục. Đặc biệt, dành cho người dân có thu nhập thấp, tạo ra bình đẳng trong y tế.
Cũng như phát triển các chương trình nghề nghiệp liên kết với các sáng kiến xã hội. Với mỗi 1% số ca sinh ngoài ý muốn được giảm xuống, có thể giảm tới 6 triệu USD chi phí trực tiếp, qua đó cũng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng mạn, tăng cường sức khỏe cho thế hệ tương lai. Từ đó, giảm được tỷ lệ bỏ học, trao cơ hội công bằng cho nữ giới trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, nước ta có nhóm dân số trẻ tăng nhanh và đông đảo, đồng thời cũng bước vào thời kỳ già hóa dân số một cách nhanh chóng. Những yếu tố này tác động vào sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Việt Nam xác định tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Thời gian tới, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.