“Lực hút” visa
Chính sách visa từ lâu đã là “điểm nghẽn” cản trở thu hút khách tới Việt Nam, đặc biệt là dòng khách có mức chi tiêu cao. Trong khi các bộ, ngành liên quan còn đang loay hoay tìm tiếng nói chung trong vấn đề này thì từ lâu các quốc gia láng giềng đã coi việc miễn visa là “vũ khí” hiệu quả để thu hút khách, tăng nguồn thu du lịch và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Sự nhiêu khê trong việc cấp thủ tục visa đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch, làm giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, du khách sẽ cảm thấy không được chào đón ngay từ đầu khi vấp phải các thủ tục cấp visa. Ông Sơn đề xuất Chính phủ cần có những lộ trình cụ thể để miễn visa cho nhiều quốc gia và kéo dài thời gian hơn. “Chúng ta cũng có thể chủ động cấp visa 5 - 10 năm cho một số thị trường khách đặc biệt, những người có thu nhập cao, nhân thân tốt và thường xuyên đi du lịch. Như vậy, ngành du lịch mới có thể đón thêm nhiều du khách có mức chi tiêu cao”, ông Sơn nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch trong nước đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách visa linh hoạt như một số quốc gia trên thế giới, ví như Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt. Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng, theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế...
Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam Kenneth Atkinson cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thông tin, kết quả xét thị thực do các trang web thiếu thân thiện và chưa quốc tế hóa. Cũng theo ông Kenneth Atkinson, miễn phí visa có thể mang đến cho Việt Nam hàng trăm triệu USD mỗi năm nhờ thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao và có thể quay lại nhiều lần. Thực tế cho thấy từ khi có chính sách miễn visa cho công dân của 5 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha), số khách đã tăng lên 20%/năm và đóng góp khoảng 101 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vì vậy, Việt Nam cần miễn visa cho nhiều quốc gia hơn nữa, đặc biệt là thị trường khách thuộc các nước phát triển như: Australia, Thụy Sĩ, Canada, Hà Lan…, ông Kenneth Atkinson khuyến nghị.
Để tăng lượng khách đến, Việt Nam cần miễn visa cho nhiều quốc gia hơn nữa |
Nguồn: vietnamnet.vn |
Phát triển sản phẩm và cơ sở hạ tầng
Ngoài chính sách về visa, các chuyên gia cho rằng còn có 3 “điểm nghẽn” đang chặn dòng chảy của du lịch Việt Nam là chính sách quảng bá xúc tiến, sản phẩm đặc thù và cơ sở hạ tầng du lịch - mà điển hình là hệ thống cụm cảng, sân bay. Giám đốc Công ty du lịch Luxury Travel Phạm Hà cho rằng mặc dù có thế mạnh về dòng sản phẩm du lịch văn hóa nhưng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam nên quy hoạch du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thành sản phẩm quốc gia. “Khách quốc tế có mức chi tiêu cao hiện nay rất quan tâm đến dòng sản phẩm du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam bởi chúng ta sở hữu những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, ẩm thực phong phú và con người thân thiện. Họ sẵn sàng chi trả mức giá cao và có thể quay lại nhiều lần nếu chúng ta chú trọng đến những yếu tố khác biệt, độc đáo đó để trở thành điểm đến xứng đáng với chi phí mà họ bỏ ra”, ông Hà chia sẻ.
Nêu lên bất cập về sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương nhiều năm qua, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt hiến kế: Muốn hướng đến đối tượng khách quốc tế cao cấp, việc đầu tiên là phải quy hoạch lại sản phẩm du lịch và các điểm đến để tạo sự khác biệt ở mỗi địa phương, có sự định hướng đến từng thị trường khách cụ thể. Cùng với đó, cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư cho các sân bay, xây dựng các đường bay thẳng để giảm bớt các điểm trung chuyển, giảm thời gian chờ đợi cho du khách. Ông Long cũng nhấn mạnh, muốn kéo khách đến, Việt Nam cần phải tăng cường xúc tiến, có thể kêu gọi nguồn lực tư nhân để quảng bá đến các thị trường nguồn tốt hơn. “Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên chắc chắn sẽ mang lại sự đổi thay tích cực cho du lịch Việt Nam trong những năm tới”, ông Long nói.
Để tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình so với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam cần phải khơi thông được các “điểm nghẽn” nói trên. Cùng với đó là phát huy nguồn lực sẵn có trong khối doanh nghiệp tư nhân. Đẩy mạnh hợp tác công - tư là hướng phát triển lâu dài và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cứ nhìn vào năng lực của các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airlines, Sungroup, Vingroup… với các đường bay mới liên tục được mở, các khu vui chơi giải trí hay hệ thống cơ sở lưu trú có quy mô lớn được đầu tư xây dựng sẽ thấy sự đóng góp tích cực của khối này vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam thời gian qua. Những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo thành sức mạnh tập thể cho ngành du lịch thực hiện mục tiêu thu hút dòng khách cao cấp và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.