Mưa lớn kèm nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang và Vĩnh Long cho biết, mưa lớn từ ngày 2-5.12 kèm nhiều hình thái thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 người bị thiệt mạng. Về giao thông, tại tỉnh Hà Tĩnh, sạt lở tuyến quốc lộ 8A đoạn từ xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với khối lượng khoảng 500m3 đất đá. Đến nay các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thông tuyến.
Tại tỉnh Quảng Nam, sạt lở taluy dương đường Trường Sơn Đông gây tắc đường tại Km70-Km73, đã thông xe một làn lúc 13 giờ ngày 5.12.2022; tắc đường do ngập các tuyến quốc lộ 40B tại Km62+380, quốc lộ 14H tại K65+402, ĐT.615 đoạn từ Km5+100-Km7+900.
Tại tỉnh Phú Yên, sạt lở 7.000m3 mái ta luy dương gây bồi lấp toàn bộ mặt đường quốc lộ 19C, tại Km143+650 thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, đã thông xe một làn lúc 17 giờ ngày 4.12.2022. Làn đường thứ 2 bị tắc đang được tiếp tục xử lý.
Mưa lớn đã làm 31 căn nhà sập và tốc mái (ở An Giang); 2.903 nhà bị ngập (2.860 nhà ở Thừa Thiên Huế, 43 nhà tại Phú Yên), hiện nước đã rút hết.
Mưa lớn cũng khiến 10,3ha lúa gieo sạ, 4 ha cây cảnh và 620,3ha hoa màu, 15ha ao nuôi cá tại Quảng Nam bị thiệt hại.
Đặc biệt, tại tỉnh Vĩnh Long, tình trạng sạt lở đất bờ sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ với chiều dài 500m, chiều rộng 300m làm mất khoảng 37.721m2 đất, gây thiệt hại cho 11 căn nhà cấp 4 và nhiều tài sản, vật dụng khác.
Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 7 tỉ đồng. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm và tổ chức di dời 17 hộ dân với 80 người trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo từ ngày 6-8.12, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Từ ngày 8 - 9.12, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40 - 80mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Liên quan đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài , dự báo viên Bùi Văn Chiến thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã đạt trạng thái gần bão hòa (90 - 99%).
Điều tiết nước hồ thuỷ điện do mưa lớn
Trước diễn biến mưa kéo dài, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 5.12, đã có lệnh điều tiết 2 hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu vận hành điều tiết hồ thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến từ 200-500m3/s. Điều tiết vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ; thời gian bắt đầu tăng lưu lượng từ 8 giờ sáng ngày 5.12.
Đối với thủy điện Hương Điền, tiến hành điều tiết hồ chứa thủy điện này qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 500-800m3/s. Thời gian điều tiết tăng dần từ 7 giờ sáng ngày 5.12.
Lực lượng chức năng yêu cầu thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên các sông. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tại vùng hạ du không hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá… trên sông.
Nắm bắt tình hình, khắc phục hậu quả
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống. Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực ngập sâu, chia cắt. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các địa phương triển khai biện pháp chống ngập lụt cho các khu đô thị, khu công nghiệp, tiêu úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, những ngày qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề nghị các tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và báo cáo tình hình sự cố, thiệt hại.
Đánh giá tình hình thiên tai tại miền Trung còn những diễn biến phức tạp, ông Phạm Đức Luận đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc. Thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai, khắc phục hậu quả; báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực để có chỉ đạo ứng phó kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.