Các nước sử dụng chính sách nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

Hàn Quốc đã xây dựng luật chống lại bạo lực học đường và bắt nạt, phòng ngừa và các biện pháp đối phó với bạo lực trong trường học. Tại Mexico, Luật Bảo vệ Quyền Trẻ em và Thanh thiếu niên cung cấp cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt.

Trước hàng loạt vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, nhiều người cho rằng các giải pháp từ phía gia đình, nhà trường là chưa đủ. Thay vào đó, cần có các chính sách mang tầm quốc gia để có thể ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), tổng quan về khung pháp lý liên quan đến bắt nạt tại các quốc gia trên thế giới theo tài liệu của Liên Hợp Quốc và dựa trên tổng hợp các tài liệu khác nhau, có thể thấy rằng: hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề ngăn chặn bạo lực học đường được xây dựng và triển khai theo một số hướng.

Xây dựng các luật định, chính sách rõ ràng ở cấp quốc gia

Theo đó, một số quốc gia có các luật định, chính sách rõ ràng và cụ thể ở cấp quốc gia, kết nối các bên liên quan để phòng ngừa hình thức bạo lực học đường, bắt nạt, quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục.

Ví dụ, năm 2014, Hàn Quốc đã xây dựng luật chống lại bạo lực học đường và bắt nạt, phòng ngừa và các biện pháp đối phó với bạo lực trong trường học. Tới nay, luật đã được sửa đổi để đảm bảo tiếp tục đáp ứng một cách thích hợp.

Mục đích của luật là "bảo vệ quyền con người của học sinh và nuôi dạy học sinh là thành viên lành mạnh của xã hội thông qua việc bảo vệ học sinh là nạn nhân, hướng dẫn và giáo dục học sinh là thủ phạm và hòa giải giữa học sinh là nạn nhân và học sinh là thủ phạm".

Luật yêu cầu xây dựng một kế hoạch tổng thể bao gồm nghiên cứu và giáo dục, hỗ trợ và phục hồi, hợp tác giữa các cơ quan và các tổ chức giáo dục và bố trí chuyên viên tham vấn học đường.

Tại Anh, Nam Phi, Singapore,… cũng đều có luật chống quấy rối.

Một số quốc gia trên thế giới tuy không có luật cụ thể dành riêng cho việc phòng chống bạo lực học đường, bắt nạt, nhưng có các luật có liên quan và được áp dụng.

Đơn cử, tại Nam Phi, những văn bản nói trên bao gồm Hiến pháp (liên quan đến quyền bình đẳng, quyền tự do của con người, quyền tự do của con người, quyền tự do của con người, quyền tự do và an ninh của con người, quyền riêng tư, quyền của trẻ em và quyền giáo dục), luật Trường học Nam Phi năm 1996, luật Trẻ em năm 2005, luật Tư pháp Trẻ em năm 2008 và luật Bảo vệ khỏi quấy rối năm 2011.

Tại New Zealand, luật truyền thông kỹ thuật số gây hại vào năm 2015 được thông qua, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các liên lạc có hại, giảm tác động đến nạn nhân và thiết lập hệ thống giải quyết khiếu nại và loại bỏ các tài liệu, nội dung trực tuyến gây hại một cách nhanh chóng.

Các nước sử dụng chính sách nào để ngăn chặn bạo lực học đường? -0
Một số quốc gia đã có các luật định, chính sách rõ ràng và cụ thể ở cấp quốc gia, kết nối các bên liên quan để phòng ngừa bạo lực học đường (Hình minh họa)

Đưa bắt nạt trực tuyến trở thành hình thức phạm tội mới

Một hướng khác được nhiều quốc gia áp dụng là sửa đổi các luật hiện hành hoặc đưa ra các kiểu tội phạm mới, như bắt nạt và bắt nạt trực tuyến để giải quyết những mặt khác nhau của vấn đề. Chẳng hạn: quấy rối học sinh, quấy rối gián tiếp, gây rối hoặc can thiệp vào hoạt động của các trường học, tiết lộ các bức ảnh thân mật riêng tư mà không có sự đồng ý và mạo danh trực tuyến,...

Đặc biệt, đối với vấn đề đang có xu hướng gia tăng là bắt nạt trực tuyến (hay còn gọi là bắt nạt trên mạng), một số quốc gia đã xây dựng, bổ sung hình thức bắt nạt này vào luật một cách rõ ràng.

Ví dụ tại Mỹ, tiểu bang California đã thông qua dự luật vào năm 2011 liên quan đến bắt nạt trên các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động và các dịch vụ internet khác, cho phép các trường đình chỉ những người tham gia vào bắt nạt trực tuyến.

Kể từ năm 2015, có 49 bang (tất cả các bang của Mỹ, trừ bang Montana) đã có luật phòng ngừa bắt nạt. Tất cả các luật này đều yêu cầu trường học phải có các chính sách để giải quyết bắt nạt, và hầu hết các luật này đều có đề cập đến hình thức điện tử của quấy rối (hay còn gọi là bắt nạt trực tuyến).

Tại Philippines, luật chống bắt nạt cũng đề cập đến bắt nạt trực tuyến. Tại Qatar, từ trước năm 2014, nước này đã xếp tội bắt nạt trực tuyến vào luật hình sự, tuy không có mục hoặc chương rõ ràng cho dạng tội phạm này. Đến năm 2014, nước này đã thông qua luật phòng chống tội phạm mạng, cụ thể và rõ ràng hơn cho tội bắt nạt trực tuyến. 

Trước thực trạng ở mức đáng lo ngại về bắt nạt trực tuyến, bên cạnh những quốc gia bổ sung hình thức bắt nạt này vào luật, ở một cách tiếp cận khác, có quốc gia đã thành lập một cơ quan chuyên trách với nhiệm vụ xử lý hình thức bắt nạt này.

Một cơ quan như vậy có nhiều chức năng bao gồm: nhận báo cáo, khiếu nại, điều tra các khiếu nại liên quan đến bắt nạt trực tuyến, thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn trực tuyến, internet và chịu trách nhiệm tìm giải pháp nhanh chóng cho khiếu nại hoặc yêu cầu xóa tài liệu khỏi Internet.

Ví dụ, tại Úc, luật tăng cường an toàn trực tuyến cho trẻ em 2015 được Úc thông qua, quy định thành lập ủy viên an toàn điện tử cho trẻ em, có chức năng chính là quản lý một hệ thống khiếu nại đối với tài liệu, nội dung bắt nạt trực tuyến, xóa nhanh thông tin khỏi phương tiện truyền thông xã hội, đồng thời thúc đẩy an toàn trực tuyến cho trẻ em.

Các nước sử dụng chính sách nào để ngăn chặn bạo lực học đường? -0
Nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan chuyên trách với nhiệm vụ xử lý hình thức bắt nạt trực tuyến (Hình minh họa)

Ban hành luật yêu cầu các trường học thiết lập chính sách chống bắt nạt

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, bên cạnh các hướng xử lý nói trên, một số quốc gia lại đưa ra luật yêu cầu các trường học thiết lập và thực hiện các chính sách chống bắt nạt, chỉ định hành vi bị nghiêm cấm, xác định các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, cung cấp hướng dẫn chi tiết về việc điều tra các sự việc, cung cấp hoặc giới thiệu nạn nhân đến các dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ, tư vấn về đào tạo nhân viên để giúp phòng ngừa, xác định và phản ứng với bắt nạt.

PGS Nam nêu dẫn chứng, tại Mexico, Luật Bảo vệ Quyền Trẻ em và Thanh thiếu niên được thông qua vào tháng 12/2014 cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt. Đặc biệt, luật này yêu cầu các cơ quan chức năng phải đảm bảo chất lượng giáo dục và sự bình đẳng, họ phải xây dựng quy định cho hành động bắt nạt.

Hơn nữa, luật này kêu gọi đưa ra các chiến lược và hành động để phát hiện sớm, ngăn ngừa và loại bỏ bắt nạt, cung cấp các chỉ số và cơ chế để theo dõi, đánh giá và giám sát; phát triển các hoạt động đào tạo cho cán bộ nhân viên và giáo viên; thiết lập các cơ chế chăm sóc, tư vấn, hướng dẫn và bảo vệ trẻ em bị quấy rối hoặc bạo lực trong trường học.

Tại Peru, Luật 29719 năm 2011 khuyến khích một môi trường an toàn và lành mạnh trong trường học và thiết lập các cơ chế để xác định, phòng ngừa, trừng phạt và loại bỏ bắt nạt và bắt nạt trực tuyến. Theo luật, mỗi trường được yêu cầu chỉ định một nhà tâm lý chịu trách nhiệm phòng ngừa và ứng phó với bất kỳ sự cố nào.

Nhận thức được tầm quan trọng của nỗ lực hợp tác giữa nhiều bên liên quan, luật đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho Bộ Giáo dục, Hội đồng trường, Hiệu trưởng và giáo viên, cũng như phụ huynh/người chăm sóc. Văn phòng Thanh tra giám sát việc thi hành luật.

Tại Philippines, Luật chống bắt nạt năm 2013 của nước này đã đưa ra các biện pháp: yêu cầu tất cả các trường tiểu học và trung học phải áp dụng các chính sách để giải quyết sự tồn tại của bắt nạt; thiết lập các cơ chế để giải quyết bắt nạt ở cấp trường và các yêu cầu báo cáo; đưa ra các biện pháp trừng phạt vì không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo luật; yêu cầu Bộ Giáo dục cung cấp quy tắc và quy định thực hiện cho các trường học.

Ở Thụy Điển, chương 6 của Luật Giáo dục (2010) có các quy định liên quan đến các biện pháp tích cực mà các trường phải thực hiện để phòng ngừa bắt nạt học đường. Nhân viên nhà trường có nghĩa vụ báo cáo tất cả các sự việc bắt nạt và nhà trường phải điều tra những việc này. Luật cũng yêu cầu các trường học đưa ra một kế hoạch được thực hiện hàng năm với các biện pháp được thực hiện để phòng ngừa và giải quyết bắt nạt.

Luật Giáo dục của Thụy Điển nghiêm cấm các hành vi trả thù nhằm vào một đứa trẻ hoặc học sinh đã báo cáo các hành vi bắt nạt và có quyền bồi thường thiệt hại nếu trường học không tuân thủ các quy định trong luật.

Tại Nhật Bản, theo Luật thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa bắt nạt được thông qua năm 2013, các trường bắt buộc phải thành lập các nhóm gồm giáo viên, nhân viên và chuyên gia về tâm lý học, an sinh cho trẻ em và các lĩnh vực liên quan. Các nhóm này sẽ thực hiện biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bắt nạt theo hoàn cảnh của từng trường cụ thể và có liên quan đến các chính sách cơ bản phòng ngừa bắt nạt được thông qua bởi Chính phủ hoặc chính quyền địa phương.

Các trường học Nhật Bản cũng có nghĩa vụ nâng cao, bồi dưỡng năng lực tham vấn và tư vấn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tại Hà Lan, luật chống bắt nạt năm 2015 đã cho thấy yêu cầu về sự tham gia của lãnh đạo nhà trường và cộng đồng nhà trường. Theo luật, các trường có trách nhiệm tạo ra một môi trường học tập an toàn, để đảm bảo tăng cường giám sát thực hiện các chiến lược và đặt một điều phối viên trong mỗi trường học để làm điểm kết nối cho trẻ em và phụ huynh. 

Luật ở Đan Mạch quy định các trường phải xây dựng chiến lược phòng chống bắt nạt để đảm bảo rằng môi trường giáo dục có lợi cho sự khỏe mạnh, hạnh phúc của trẻ em và đạt được mức độ phát triển và học tập cao nhất có thể. Chính sách của Chính phủ bao gồm đánh giá môi trường trường học 3 năm một lần (bao gồm các khía cạnh về thể chất, tinh thần và thẩm mỹ), mô tả, đánh giá các vấn đề và có kế hoạch hành động để ứng phó với các vấn đề đó.

Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội: Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường đánh giá vào kết quả rèn luyện
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội: Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường đánh giá vào kết quả rèn luyện

Năm học 2024 - 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng xe bus nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và rèn luyện bản thân. Sinh viên đi xe bus sẽ được nhà trường cấp minh chứng làm căn cứ đánh giá kết quả rèn luyện.

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.