Ba đại học tiên phong
Trong 10 năm trở lại đây, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ. Theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, năm 2013, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên Scopus khoảng 3.800 bài, năm 2022 gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần. Kết quả này đã đưa xếp hạng của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus.
Sự gia tăng mạnh mẽ này đặt ra vấn đề chất lượng của các công bố, đặc biệt về liêm chính khoa học.
Những vấn đề về đạo đức nghiên cứu và các quy định về liêm chính khoa học đã và đang được triển khai tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng (ba Đại học) trong khuôn khổ “Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ” được thực hiện bởi Đại học Indiana (Mỹ).
Ba Đại học với sự hỗ trợ từ Dự án đều cùng cam kết hướng đến cải thiện hệ thống quản lý nghiên cứu thông qua việc thành lập các hội đồng đạo đức nghiên cứu hoặc kiện toàn hội đồng đạo đức đang có, nhằm đảm bảo tính trách nhiệm trong thực hiện nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên với từng khách thể nghiên cứu, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, ba Đại học đã dự thảo để tiến tới ban hành các quy định về liêm chính với sự hỗ trợ của chuyên gia dự án.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu vào ngày 16.11.2023.
Theo đó, Hội đồng đạo đức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có chức năng đánh giá độc lập các khía cạnh đạo đức trong các nghiên cứu với đối tượng là con người. Hội đồng là tổ chức uy tín, là nơi đảm bảo các giá trị khoa học, đạo đức đối với các công trình nghiên cứu được thẩm định và công nhận trước cộng đồng khoa học quốc tế.
Với sự hỗ trợ từ Dự án, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện hai dự thảo: Quy định về liêm chính khoa học và Quy định về Đạo đức nghiên cứu.
PGS. TS. Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Dự án để hoàn thiện các văn bản như Dự thảo Quy tắc ứng xử trong nghiên cứu; Quy chế hoạt động Hội đồng đạo đức nghiên cứu có khách thể con người; Quy chế Hội đồng đạo đức nghiên cứu có khách thể động vật; Quy chế về liêm chính nghiên cứu.
Các buổi tập huấn về tuân thủ nghiên cứu được tiến hành lần lượt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao hiểu biết của người tham gia về tính liêm chính trong khoa học và vai trò của các thành viên Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu, nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý trong việc hỗ trợ tuân thủ nghiên cứu.
TS. John Baumann, Phó Chủ tịch phụ trách Tuân thủ Nghiên cứu, Đại học Indiana cho biết: “Là chuyên gia của Dự án, tôi đã cùng các đại học Việt Nam có nhiều buổi thảo luận để phát triển các chính sách, quy trình triển khai quy định về liêm chính trong nghiên cứu vào thực tế. Chúng tôi chia sẻ các chính sách và quy trình liêm chính trong nghiên cứu ở Mỹ và các quốc gia khác. Từ đó, điều chỉnh trong bối cảnh Việt Nam trên cơ sở tôn trọng văn hóa, tổ chức, nguồn lực và phù hợp với các thông lệ quốc tế.”
Mong một khung pháp lý đủ tầm bao quát
Về khung pháp lý, Điều 20 của Nghị định 109 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: Các đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm liêm chính học thuật.
Khung pháp lý này mang tính khái quát, do đó các cơ sở giáo dục đại học phải căn cứ vào thực tiễn đơn vị, bối cảnh Việt Nam, thông lệ quốc tế và quản trị nghiên cứu khoa học, các quy định khác của pháp luật khi nghiên cứu để ban hành quy định nội bộ một cách cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở giáo dục đại học ban hành còn rất ít.
PGS. TS. Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Đại học Đà Nẵng cho biết, việc ban hành các quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là rất cần thiết để có một khung pháp lý để cán bộ, giảng viên trong Đại học Đà Nẵng tuân thủ. “Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc để cán bộ, giảng viên Đại học Đà Nẵng biết và lường trước những hành vi vi phạm trong liêm chính khoa học là như thế nào, theo hướng khuyến cáo nhiều hơn”, PGS. TS. Nguyễn Thành Đạt nói
Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng dự thảo Quy chế liêm chính khoa học và đang trong quá trình hoàn thiện để có thể ban hành trong năm 2024. Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Đạt, rất khó để đưa ra một quy định mang tính chất tuyệt đối. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến từ các cán bộ, giảng viên ở nhiều đơn vị là cần thiết để đưa ra quy định vừa phù hợp với điều kiện của nhà trường, của Việt Nam, vừa đáp ứng thông lệ quốc tế
Mong muốn của các nhà khoa học, cán bộ quản lý các đại học Việt Nam là cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ Nhà nước. Từ đó, các trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng.
Ở góc độ chuyên gia tham vấn, TS. John Baumann khuyến nghị, để duy trì và nâng cao việc tuân thủ nghiên cứu và liêm chính khoa học phải có sự đầu tư thời gian và nguồn lực cần thiết.
“Việc phát triển các chương trình tuân thủ nghiên cứu và liêm chính khoa học là một con đường phức tạp, đòi hỏi đúng người, thời gian, khả năng tiếp cận chuyên môn phù hợp cả bên trong và bên ngoài cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là sự cam kết của lãnh đạo đơn vị”, TS. John Baumann nói.