Búp bê truyền thống Nhật Bản

Lộng lẫy và tinh tế, bộ sưu tập búp bê Nhật Bản từng du ngoạn qua hơn 50 quốc gia trên thế giới, tiếp tục được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 7 - 31.3.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Thế giới búp bê truyền thống Nhật Bản trưng bày hơn 200 búp bê, chủ yếu là búp bê Edo-Kimekomi và một vài loại khác được sử dụng trong Lễ hội bé gái Hina Matsuri; búp bê võ sỹ, sử dụng trong Lễ hội bé trai. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản Hà Nội là bộ sưu tập được tuyển chọn đặc biệt, gồm hơn 40 búp bê truyền thống, như: búp bê mặc kimono, búp bê mô tả các nhân vật trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống Nhật Bản, như kịch Noh và Kabuki, búp bê Hakata hay búp bê đất sét, búp bê gỗ Kokeshi với các biểu hiện độc đáo. Qua búp bê, người xem hiểu được cảnh tượng thiên nhiên cũng như cuộc sống, sắc thái văn hóa của người Nhật, từ cung đình đến dân dã: búp bê Hatsumode trong hình ảnh cô gái đi lễ chùa đầu xuân, búp bê công chúa với bộ kimono 18 lớp, búp bê cung đình với hình ảnh cung nữ đang chơi đàn biwa, búp bê Kyoto thể hiện cho TP Kyoto, búp bê Hoàng Thái tử… 

Búp bê là loại đồ chơi thủ công phản ánh trình độ thẩm mỹ tinh tế cũng như tín ngưỡng, nguyện vọng của người dân Nhật Bản qua các thời kỳ. Được cho là xuất hiện sớm nhất vào triều đại Jomon, từ năm 8000 - 200 trước Công nguyên với chất liệu rơm cỏ thô sơ, đến nay búp bê Nhật Bản đã trở nên vô cùng phong phú về hình dạng, chất liệu, màu sắc, chủ đề và là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào. Bộ sưu tập búp bê Nhật Bản đang trưng bày tại Việt Nam có thể nói là bộ sưu tập hoàn thiện với gần như tất cả thể loại búp bê đặc trưng của Nhật Bản. Theo nghệ nhân Masaru Aoki, điều thú vị ở triển lãm lần này không phải là một triển lãm búp bê mới mà đã được chế tạo từ cách đây 25 năm. Trước khi tới Việt Nam, những con búp bê này đã được triển lãm tại hơn 50 quốc gia và lưu giữ tại Bangkok, Thái Lan hơn 10 năm qua.

Nghệ nhân Masaru Aoki đang phục chế bộ búp bê gỗ Kokeshi
Nghệ nhân Masaru Aoki đang phục chế bộ búp bê gỗ Kokeshi

Theo quan niệm của người Nhật, búp bê mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ còn là thứ đồ chơi cho trẻ em nữa. Búp bê là món quà tặng cho gia đình, bạn bè, người thân nhân một dịp nào đó, là món đồ trang trí trong nhà... Một trong những mục đích lớn nhất của búp bê truyền thống Nhật Bản là làm quà tặng cho trẻ em nhân Lễ hội bé gái ngày 3.3 và Lễ hội bé trai ngày 5.5, với ý nghĩa bảo hộ cho các em bé đó. Ngoài ra, còn có những loại búp bê để trừ tà ma, bệnh tật... Trước đây người Nhật chơi búp bê theo đúng nghĩa, tức là đặt mua những con búp bê làm sẵn, mang về may quần áo và thay đổi quần áo cho búp bê theo sở thích hoặc theo những dịp đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, hiện nay búp bê chỉ đơn thuần để trưng bày với ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Người Nhật thưởng búp bê như thưởng hoa vậy.

Búp bê công chúa, với bộ kimono 18 lớp
Búp bê công chúa, với bộ kimono 18 lớp

Nghệ nhân Masaru Aoki cho biết, để chế tạo một búp bê cần 20 - 30 người tham gia: người làm khuôn, người may trang phục, người vẽ mặt, người tạo kiểu tóc... Đơn giản, chỉ làm kiểu tóc đã yêu cầu phải thể hiện được nghề nghiệp, giới tính, vị trí xã hội khác nhau của búp bê. Trong khi đó, công việc phục chế búp bê có thể thực hiện một mình và tốn ít thời gian hơn. Người Nhật quan niệm, búp bê có linh hồn và sức mạnh nên nghệ nhân phục chế chính là người đánh thức linh hồn cho búp bê. Ngoài những kỹ năng tổng hợp, người làm công việc phục chế búp bê phải “biết trân trọng, nâng niu, vui buồn cùng búp bê”, “thay vì chỉ ngắm nhìn búp bê, tôi luôn muốn mọi người cùng nói chuyện với búp bê”.

Búp bê Hatsumode, hình ảnh một cô gái đi lễ chùa đầu xuân
Búp bê Hatsumode, hình ảnh một cô gái đi lễ chùa đầu xuân

Trước triển lãm, nghệ nhân Masaru Aoki đã phục chế những con búp bê trong bộ sưu tập, mang cho chúng một hơi thở mới, hay nói như ông là “làm cho chúng vui hơn sau một thời gian dài không được triển lãm”. Ông vẽ lại những nét bị mờ trên khuôn mặt búp bê, sửa sang trang phục, làm mới phụ kiện, chải và cắt lại tóc... Từ gần 30 năm nay, Masaru Aoki đã trở thành người đứng đầu trong việc phục chế búp bê. “Mỗi búp bê được tạo ra đã có một trạng thái, nét mặt nhất định, do đó khâu khó nhất trong giai đoạn phục chế là đưa búp bê về lại nguyên trạng. Còn việc nhìn thấy một con búp bê vui hay buồn lại tùy thuộc vào người xem đang trong tâm trạng nào chứ không hẳn do tâm trạng nghệ nhân làm ra” - Masaru Aoki nói.

Chế tạo búp bê và phục chế chúng là những nghề được truyền lại từ rất lâu đời tại Nhật Bản. Nghệ nhân Masaru Aoki khẳng định: “Búp bê là cách để chúng tôi chuyển tải những nét độc đáo của văn hóa và truyền thống Nhật Bản từ thế hệ này qua thế hệ khác”.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.