Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội, trong đó, đại biểu Quốc hội chuyên trách là cán bộ của Đảng, đảm nhiệm các chức danh chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; là lực lượng đi đầu trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hướng tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quy hoạch và bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách là sự đổi mới trong công tác nhân sự của Quốc hội, nhằm phát hiện, thu hút, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người được quy hoạch trên con đường từ chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên ngành trở thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng luôn thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, gắn với vấn đề nâng cao năng lực, phát huy vai trò, củng cố đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Việc trở thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đòi hỏi phải dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội và không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan khác của hệ thống chính trị; phải thay đổi môi trường làm việc, phương pháp làm việc với yêu cầu rất cao về lao động cá nhân để xây dựng hình ảnh tích cực của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trên nghị trường.
“Quy hoạch và bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là sự đổi mới trong công tác nhân sự của Quốc hội, nhằm phát hiện, thu hút nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người được quy hoạch trên con đường từ chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên ngành trở thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng giới thiệu một số quy định của Đảng về khung tiêu chuẩn chức danh, chức vụ tương đương đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; quan điểm, chủ trương về phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút nhân tài vào các cơ quan của hệ thống chính trị; số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV; tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, chế độ hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 đã tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trên tổng số đại biểu Quốc hội từ 35% lên ít nhất 40%. Trên thực tế, từ khi chế định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 đến nay, qua 7 nhiệm kỳ, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Cho biết, thời gian từ nay đến thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI không còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, tâm thế sẵn sàng, để nếu có cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của đại biểu Quốc hội trong kỷ nguyên mới.
Cũng trong chiều nay, Hội nghị đã nghe nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam giới thiệu về Chuyên đề 4: Pháp luật về bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh tại các cơ quan của Quốc hội.