Đây là sự kiện đặc biệt khi lần đầu tiên Bộ trưởng trực tiếp đối thoại với các cộng đồng địa phương trong một sự kiện được tổ chức vừa thực tế, vừa trọng thể. Đối thoại “đầu bờ” được tổ chức tại hiện trường khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân Tổ dân phố đảo Bích Đầm - nơi người dân sống xa bờ nhất trong vịnh Nha Trang.
Tại đây, Bộ trưởng thăm tàu cá của ngư dân, nơi neo đậu và tránh trú bão, tìm hiểu công việc và cuộc sống của bà con ngư dân… Sau đó, Bộ trưởng dành thời gian đối thoại tại chỗ với cộng đồng ngư dân Bích Đầm, nhằm tìm giải pháp quản lý nghề cá ở Bích Đầm nói riêng Việt Nam nói chung phát triển hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thuỷ sản. Đây là nghề không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn là sự tiếp nối giữ gìn văn hóa, truyền thống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ trưởng cũng đề cập đến sự thay đổi trong ngành thủy sản của nước ta, từ việc chỉ tập trung vào đánh bắt và nuôi trồng nay đã chuyển sang một hướng tiếp cận toàn diện hơn; trong đó, vừa đánh bắt vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm có hiệu quả với việc thu hút du lịch vào việc bảo tồn nghề cá.
Cho rằng, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ là bảo vệ ngành nghề mà còn là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai, Bộ trưởng cũng chỉ ra những thách thức hiện tại, như việc ngư dân đối mặt với sự khó khăn về sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, Bộ trưởng kêu gọi sự thay đổi trong tư duy và hành động, từ việc chỉ chú trọng đánh bắt sang việc bảo tồn và phát triển bền vững.
Trên thực tế, ngành thuỷ sản và nghề cá biển (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, nâng cao thị phần xuất khẩu, và góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Tôi tin rằng, tất cả chúng ta cùng “chung tay”, đảm bảo chính quyền, ngư dân, người dân và các tổ chức quốc tế cùng thực hiện các chương trình đánh bắt, bảo tồn ngành nghề thuỷ sản bền vững thì nghề này sẽ đem đến cuộc sống ổn định cho chính người dân và môi trường thuỷ sản”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, người dân kiến nghị một số vấn đề về hiện trạng trên đảo Bích Đầm, như tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt và tàu cứu thương… Ông Nguyễn Hòa, Tổ trưởng Tổ dân phố phố Bích Đầm, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà kiến nghị: “Bích Đầm là làng chài ven biển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn do thiếu điện lưới quốc gia. Tôi kiến nghị Nhà nước sớm cấp điện cho người dân. Mặc khác, để nghề cá phát triển sinh kế bền vững thì chưa đủ, dựa trên giá trị văn hoá địa phương liên quan đến nghề cá, tôi mong đình làng Bích Đầm - nơi diễn các lễ cúng đi biển cần sớm được trùng tu, vì hiện đã xuống cấp”.
Đây là dịp để người đứng đầu ngành nông nghiệp được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng từ những con người trực tiếp ngày đêm bám biển, vươn khơi, xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng biển quê hương.