Không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tời trình bày nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị quy định phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong Luật này chỉ trong hoạt động chữa cháy; làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của quân đội tại dự thảo Luật; bổ sung đầy đủ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Thường trực Ủy ban cho rằng, đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự; Luật Phòng, chống thiên tai...
Còn cứu nạn, cứu hộ do Luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng PCCC và CNCH chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện. Do đó, việc dự thảo Luật này không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội là phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị thể hiện rõ phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong Luật để không chồng chéo với các hoạt động phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam. Có ý kiến đề nghị bổ sung điều chỉnh về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung một điều về áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 3 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý) để phân định rõ ràng phạm vi áp dụng của Luật này với phạm vi áp dụng của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng thủ dân sự.
Theo đó, xác định “Hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp”; khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm nạn nhân thì việc cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trừ trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bảo đảm tính răn đe với vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Đa số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đóng góp ý kiến; cho rằng, việc hoàn thiện sớm Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để các điều luật có hiệu lực dễ áp dụng trong thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ và răn đe đối với vi phạm liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian vừa qua.
Cơ bản tán thành với tiếp thu, chỉnh lý đối với phạm vi điều chỉnh của Luật, song ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, nếu tách phòng cháy, chữa cháy rừng ra khỏi Luật này có thể dẫn đến 3 hệ quả.
Một là, chế độ, chính sách của những lực lượng phòng cháy, chữa cháy là khác nhau. Hai là, vô hình dung hình thành hai lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Ba là, việc tách ra có thể mất đi hai hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà có thể hỗ trợ được cho nhau.
Do đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị, cần tính toán, xem xét lại theo hướng nên tách ra tốt hơn hay kết hợp lại để tạo thành một lực lượng mạnh hơn với trang thiết bị đầy đủ hơn cho toàn bộ hệ thống.
Về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), dự thảo Luật được nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sát với yêu cầu thực tiễn; đồng thời thu hút các chính sách đặc thù tại các quy định cụ thể của các chương, điều trong dự thảo Luật và thể hiện lại rõ ràng hơn tại Điều 4.
Tuy nhiên, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị, dự thảo Luật nên xem xét nghiên cứu, bổ sung việc bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị. Bởi, nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc chỉ rõ, thực tiễn cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong.
Mặt khác, thực tế phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng này được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu và thực tế đòi hỏi hiện nay. Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, nếu ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã.
Đối với những thiết bị phòng cháy, chữa cháy thiết yếu, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến các ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Trong đó, lưu ý tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ các ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy; ý kiến của thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng Tám, với tinh thần là không có ý kiến nào không được tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải thích và việc giải trình phải bảo đảm tính thuyết phục.