- Trường Đại học Luật Hà Nội nói gì việc ông Vương Tấn Việt chưa tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa?
- Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh: Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa
- Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn "trần tình" về việc ông Vương Tấn Việt đang học tiến sĩ ngành Tôn giáo học
Việc xác minh văn bằng cấp ba của ông Vương Tấn Việt được Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trước đó, hồi tháng 6, khi có thông tin về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp, một số người đặt nghi vấn về bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa (hệ tại chức) của ông Việt, thi tại hội đồng trường Trung Nhất, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh năm 1989.
Kết quả rà soát cho thấy, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 tại TP. Hồ Chí Minh.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT về vụ việc nói trên.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT có ý kiến như thế nào về thông tin ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) chưa có văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Thời gian qua, khi có các thông tin về văn bằng của ông Vương Tấn Việt, Bộ GD-ĐT đã yêu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo. Bộ GD-ĐT đồng thời cùng lúc tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về nghi vấn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt, hiện nay, dư luận đang căn cứ vào văn bản của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh trả lời Ban Tôn giáo Chính phủ để cho rằng ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, hoặc chưa tốt nghiệp cấp ba.
Tuy nhiên, điểm trọng yếu cần làm rõ là liệu thông tin văn bằng Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã xác minh có đúng là thông tin trên văn bằng của ông Vương Tấn Việt sở hữu hay không.
Bộ GD-ĐT đã có thông tin và văn bản trả lời của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, cũng như đã kiểm tra trên hồ sơ tại kho lưu trữ của Bộ GD-ĐT từ cách đây hơn 1 tháng, với các thông tin ban đầu là ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Bộ GD-ĐT đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.
Cụ thể: xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
- Về việc xác minh hồ sơ quá trình đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt đang được tiến hành như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ quá trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hồ sơ quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật áp dụng cho trường hợp người học Vương Tấn Việt. Trong hồ sơ thể hiện một số thiếu sót trong quá trình đào tạo nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo đó.
- Vậy việc thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt sẽ được thực hiện ra sao?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:Theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, đưa ra các quyết định và xử lý phải cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình xác minh vụ việc có những thông tin chưa được phép công bố khi chưa có đầy đủ căn cứ.
Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có thông tin rõ ràng, chắc chắn trước khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra công bố chính thức.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy!