Ngày 28.5, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí về sự kiện gây xôn xao về môn Văn trong tuyển sinh ngành Y khoa.
Thông tin 4 trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua. Các tổ hợp được đưa vào xét tuyển gồm B03 (Toán, Văn, Sinh), A16 (Toán, Khoa học Tự nhiên, Văn), D12 (Văn, Hóa, Anh), bên cạnh các tổ hợp truyền thống.
Trên các diễn đàn, không ít người bày tỏ lo lắng, băn khoăn. Nhiều chuyên gia giáo dục và các bác sĩ đã làm việc lâu năm trong ngành y cho rằng, việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y là không phù hợp.
Trong khi đó, một số trường đại học lý giải, đưa môn Văn vào tuyển sinh là phù hợp với định hướng xây dựng phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình hay bác sĩ cơ sở - những người rất cần kỹ năng tiếp xúc, sự khéo léo để chia sẻ, động viên, tư vấn cho người dân.
Đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe
Trong văn bản trả lời báo chí ngày 28.5, về sự kiện gây xôn xao về môn Văn trong tuyển sinh ngành Y khoa của một số trường đại học tư, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, có trách nhiệm xem xét, xử lý khi có những dấu hiệu, hành vi vi phạm chính sách, quy chế của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh đại học, các môn tuyển sinh đầu vào,… cần lắng nghe các đơn vị đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể tương ứng.
Bà Thuỷ cho rằng, trong cuộc bàn luận về môn Văn trong tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục, các chuyên gia, các trường đào tạo về y khoa đã lên tiếng trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực.
Các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia…; các trường cũng tiến hành trao đổi, giải trình với xã hội, với thí sinh, với cơ quan quản lý nhà nước… tất cả đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học bày tỏ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước (QLNN), do vậy, đánh giá rất cao việc cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói chuyên môn của các chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa… Đây là các góc nhìn rất quan trọng đối với các cơ quan hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, qua các ý kiến, tiếng nói của các cơ quan chuyên môn, của các chuyên gia, gia đình, phụ huynh và thí sinh có thêm các thông tin đa chiều để nghiên cứu, lựa chọn”.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng. Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025) đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường
Cũng trong bản trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, thực hiện Luật Giáo dục đại học và Quyết định số 436/QĐ-TTg, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22.6.2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó đã quy định rõ: chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực (như lĩnh vực/khối ngành Sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng) phải bao gồm không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.
Theo bà Thuỷ, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
Chuẩn chương trình đào tạo là rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành đào tạo cụ thể; khi xây dựng chuẩn này phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn; cần có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Quy chế tuyển sinh hiện hành (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.
Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Bà Thuỷ cho rằng, yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào mà có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học. Do vậy, một lần nữa khẳng định các kênh thông tin và các hệ quả lâu dài dự báo sẽ có tác dụng tích cực, giúp các trường tự điều chỉnh, hoàn thiện.
"Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm” – bà Thuỷ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế dự kiến sẽ có trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết vấn đề quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, trong đó có đào tạo lĩnh vực sức khỏe do Bộ GD-ĐT phụ trách.
Trong Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (ban hành tháng 6 năm 2022) quy định các cơ sở đào tạo được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, bao gồm việc lựa chọn các tổ hợp, các môn đưa vào xét tuyển.
Tuy nhiên, trong Khoản 5, Điều 6 của Thông tư 08 cũng nêu rõ: “Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm”.
Điều này có nghĩa, việc lựa chọn môn nào để đưa vào tổ hợp xét tuyển cũng cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh thêm, theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT, mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn. Như vậy, nếu đưa môn Văn vào xét tuyển, những môn khoa học tự nhiên vốn được sử dụng lâu nay như Toán, Hóa, Lý, Sinh, môn nào sẽ bị lược bớt? Trong tổ hợp xét tuyển vào ngành Y, liệu rằng môn Văn có quan trọng hơn môn bị lược bỏ hay không?
Những câu hỏi này các trường cũng cần làm rõ, cần sự phân tích dựa trên cơ sở khoa học.
Việc kiểm tra, đánh giá do Hội đồng Y khoa Quốc gia (đơn vị do Chính phủ thành lập) chủ trì tổ chức thực hiện.
Theo PGS Long, đối với đào tạo ngành Y, giáo dục đại học hiện có đến 17 mã ngành, đào tạo bác sĩ chỉ là 1 trong 17 mã ngành trên.
Trên thực tế, cả chục năm nay, việc tuyển sinh vào ngành Y vẫn chủ yếu dựa trên 2 tổ hợp xét tuyển là B00 và A00, tức sử dụng 4 môn Toán, Hóa, Lý, Sinh.
“Cho tới nay, theo những thông tin về mặt quản lý, chúng tôi không thấy có phản ánh hay điều gì thể hiện có bất cập liên quan đến việc dùng 2 tổ hợp này để xét tuyển. Còn về góc độ của ngành Y, chúng tôi vẫn quan điểm rằng, đây là 4 môn thiết yếu nhất và rất phù hợp đối với công việc, chức năng, nhiệm vụ của nhân lực ngành Y”, PGS Long nói.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cũng thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế dự kiến sẽ có trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về vấn đề này.
“Tuy nhiên, nếu Bộ Y tế có ý kiến cũng chỉ trên nguyên tắc như tôi vừa nêu. Còn việc đưa hay không đưa môn Văn vào tuyển sinh; chỉ khi có khảo sát cẩn thận, có cơ sở khoa học, nêu rõ được lý do tại sao đưa môn Văn vào xét tuyển là tốt hơn những môn khác thì mới có bằng chứng để khẳng định”, ông nói.