Ngày 15.6, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Cần ưu tiên chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ - chương trình 2006, với chương trình và sách giáo khoa cũ.
Tuy nhiên, tinh thần đổi mới đang trong thời điểm thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình, thay vì chỉ thi theo chương trình cũ. Kỳ thi năm nay có một vài điểm mới, điều chỉnh, nên các yêu cầu đối với việc tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
“Từ góc độ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Bộ đối với Kỳ thi này, tôi bày tỏ mong muốn, kỳ vọng tất cả lãnh đạo các tỉnh/thành phố trong cả nước đang đóng vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.
Kỳ thi mang tính toàn quốc, nhưng cấp tỉnh đã được quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, yêu cầu, nên rất mong các đồng chí đã trách nhiệm lại càng trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Trong các công việc cần chuẩn bị, Bộ trưởng lưu ý Ban chỉ đạo địa phương có sự ưu tiên cho chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị. Bộ trưởng nhấn mạnh, năm nào chúng ta cũng lưu ý thận trọng nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả.
“Chúng ta rút kinh nghiệm ngay kỳ thi lớp 10 vừa rồi của một địa phương, đề thi chỉ mờ một chút thôi đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý. Do đó, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất.
Nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị. Sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - các điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý các nội dung về tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn cho học sinh, đặc biệt là với cán bộ coi thi để các công việc được tinh thông, đầy đủ, thành thạo.
Đối với công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, Bộ trưởng mong các địa phương lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai và mong các đơn vị của Bộ Công an sẽ phối hợp tốt trong cả khâu đề thi và bài thi.
Phòng chống cháy nổ và đảm bảo không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi ưu tiên cũng là lưu ý của Bộ trưởng với các Ban Chỉ đạo thi địa phương.
Đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi
Thông tin tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương cho biết, năm 2023, có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thi sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ làm việc với Ban chỉ đạo và Lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cùng với đó, thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.
Tính đến thời điểm này, đã có 12 buổi làm việc của 4 Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tại các địa phương.
Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, hiện nay Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 công bố ngày 1.3.2023. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho Hội đồng ra đề thi.
Về công tác ra đề thi, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi, bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
Cũng theo PGS Chương, năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các Sở GD-ĐT năm 2022. Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dùng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ đã tập huấn và hướng dẫn các Sở GD-ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định.
Đồng thời, tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã tập huấn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi.
Bộ cũng đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 Sở GD-ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30.6.
Cụ thể, vào chiều 27.6, thí sinh làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi. Sáng và chiều 28.6, thí sinh lần lượt thi các môn Ngữ văn (120 phút), Toán (90 phút).
Sáng 29.6 là thời gian làm các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Chiều 29.6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ. Ngày 30.6 là lịch dự phòng.
Chậm nhất 17h ngày 15.7, Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các Hội đồng thi sẽ tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT, đồng thời gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT, đối sánh kết quả thi.
8h ngày 18.7, các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi. Chậm nhất ngày 20.7, các Sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT.