Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại toạ đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?" do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức.
Chương trình liên kết đào tạo quốc tế - chất lượng thế giới ngay tại Việt Nam
- Thưa PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, ông có thể cho biết những lợi thế của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (chương trình liên kết quốc tế) tại Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Một trong những sứ mạng rất lớn của các chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài là thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế.
Đây là một trong những cách thức giúp giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung hội nhập mạnh, sâu với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Thông qua các chương trình liên kết nước ngoài sẽ tạo cơ hội để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, những người làm về giáo dục đại học của Việt Nam được tiếp xúc, cọ xát và tham gia thực tế vào các chương trình có chất lượng của thế giới. Qua đó, nâng cao được trình độ chuyên môn cũng như nâng cao năng lực quản lý, quản trị đại học.
Về góc độ quản lý Nhà nước, các chương trình liên kết giáo dục nước ngoài mang đến các góc nhìn khác để xem xét thay đổi mô hình quản trị đại học, về hệ thống đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng bên trong của từng cơ sở và của cả hệ thống.
Đối với người học, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ mang đến một nền giáo dục có chất lượng thế giới ngay tại Việt Nam.
Các chương trình liên kết hiện nay cơ bản được đào tạo bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó đa phần tập trung bằng tiếng Anh. Đây là phương thức rèn luyện, bồi dưỡng tốt cho người học; để sau quá trình tốt nghiệp có được nền tảng ngoại ngữ tốt, đáp ứng được năng lực tham gia vào thị trường lao động không chỉ của Việt Nam mà còn cạnh tranh sòng phẳng với nguồn nhân lực trên thế giới.
Theo tôi đánh giá, đây là những ưu điểm lớn nhất mà các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mang lại cho các cơ sở đại học nói riêng và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung, cũng như đối với cộng đồng người học Việt Nam.
- Hiện nay, có những chính sách, quy định nào về hoạt động liên kết, đào tạo với nước ngoài? Bộ GD-ĐT đã kiểm soát các chất lượng chương trình này ra sao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Có thể khẳng định, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có hành lang pháp lý khá toàn diện.
Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14); Luật Giáo dục số 43/2019/QH14. Bên cạnh đó, chúng ta có Nghị định 86/2018/NĐ-CP về quy định hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn ban hành Thông tư 17, đưa ra các quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; hay các quy định về công khai, mà các cơ sở đào tạo khi thực hiện liên kết với nước ngoài sẽ phải công khai trên các cổng thông tin điện tử của các trường; đảm bảo sự tham gia giám sát của toàn bộ xã hội và người học.
Bộ GD-ĐT trong thời gian tới sẽ hợp tác với Hội đồng Anh xây dựng cổng thông tin về liên kết đào tạo với nước ngoài, qua đó đảm bảo thông tin và nội dung được công khai của các cơ sở giáo dục đại học liên kết với nước ngoài sẽ tiếp cận được với người dân, xã hội. Đây cũng là một cơ chế giám sát rất tốt.
Có thể khẳng định, Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai hàng loạt nội dung để đảm bảo được chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đúng theo quy định của pháp luật.
Điều chỉnh để phù hợp với xu thế tự chủ đại học
- Được biết, hiện có nhiều chương trình liên kết đại học nước ngoài không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào (như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp), các chương trình liên kết đào tạo không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.
Vậy chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài trong trường đại học được quy định như thế nào? Có phải đang thiếu quy định chi tiết về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công tác tuyển sinh và quản lý, tổ chức đào tạo với chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài hay không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Về nội dung này, đầu tiên phải khẳng định căn cứ pháp lý quan trọng là Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - quy định cả về nội dung tuyển sinh cũng như các quy định về chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, lúc Nghị định ra đời thì bối cảnh Việt Nam tự chủ đại học chưa được đẩy mạnh như những năm gần đây. Sau Nghị định 86/2018/NĐ-CP có Luật số 34 - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học, Luật giáo dục năm 2019.
Các luật này đặc biệt đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho trường đại học, từ đó các thẩm quyền được trao nhiều về các trường.
Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng tự chủ đại học ngày càng mở rộng, các trường liên kết giáo dục với nước ngoài có dấu hiệu tăng lên. Cũng bởi vậy, bắt đầu có một số thông tin rằng các chương trình gặp phải một số khó khăn từ khâu tuyển sinh, khâu quản lý tổ chức đào tạo nên chưa đáp ứng kỳ vọng một bộ phận người học.
Tuy vậy, tôi khẳng định, Bộ GD-ĐT đã nhận thức rõ về vấn đề này. Trong thời gian tới đây, bên cạnh các thông tư, văn bản đã ban hành (như Thông tư số 30 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến và Thông tư số 28 về đào tạo từ xa ban hành năm 2023), Bộ GD-ĐT sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn. Sự điều chỉnh để phù hợp với xu thế tự chủ đại học và xu thế ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.
Cụ thể hơn, mặc dù Thông tư 03 được ban hành và được sửa đổi tại Thông tư 10 đã nhắc đến việc xác định chỉ tiêu các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tuy nhiên trong quá trình triển khai, các trường đã phản ánh một số khó khăn về việc xác định chỉ tiêu với giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy hay giảng viên của trường đối tác.
Trong thời gian tới, những nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể, giúp các trường có căn cứ để xác định và tính toán, đảm bảo nguồn lực thực hiện được chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài chất lượng.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ rà soát các điều kiện để khẳng định sự tham gia của các cơ sở đào tạo trong chương trình liên kết với nước ngoài, từ đó mở rộng sức lan tỏa thông qua các hoạt động của thầy cô, nhà quản lý tham gia vào chương trình liên kết đào tạo.
- Vậy Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế về chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài trong thời gian tới?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Như trên đã nói, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; đồng thời cụ thể hóa những quy định từ khâu tổ chức tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, tổ chức quản lý đào tạo và cấp văn bằng các chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài. Mục đích là đảm bảo các trường có đầy đủ thông tin và hướng dẫn để có thể tổ chức tuyển sinh, cũng như đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục lắng nghe những ý kiến phản ánh và góp ý của các cơ sở đào tạo.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức 2 hội thảo liên quan đến liên kết giáo dục với nước ngoài, nhận được nhiều phản ánh, kỳ vọng từ các cơ sở giáo dục đại học về hành lang pháp lý. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để đề xuất, tham mưu với lãnh đạo ban hành các thông tư, quy định về việc tổ chức tuyển sinh đào tạo với các chương trình liên kết với nước ngoài.
Hiện nay, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang thay đổi. Do vậy, cách tiếp cận đến các chương trình liên kết đào tạo cũng sẽ phải thay đổi. Các cơ sở giáo dục đại học trong nước sẽ có đầy đủ các điều kiện lựa chọn trường đối tác có uy tín để các chương trình liên kết với nước ngoài ngày càng được nâng cao chất lượng.
Điều này sẽ được Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ, hoặc trong thẩm quyền đưa ra trong thời gian tới.
Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đúng cam kết chất lượng cho người học
- Thưa PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, hiện nay Bộ GD-ĐT kiểm soát việc cấp bằng theo chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Hiện Bộ GD-ĐT có Cục Quản lý chất lượng, giúp lãnh đạo Bộ quản lý vấn đề kiểm soát cấp bằng theo chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Cục Quản lý chất lượng đã tham mưu ban hành các quy định cụ thể, trong đó yêu cầu nếu cấp bằng của Việt Nam thì phải tuân thủ đầy đủ quy định của Việt Nam. Đồng thời, cũng yêu cầu các trường công khai cam kết thực hiện việc cấp bằng cho học sinh sau khi tốt nghiệp; đảm bảo người học, cơ quan quản lý và xã hội có thể nắm bắt và giám sát được.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, hệ thống của Bộ đã được kết nối với dữ liệu về dân cư.
Đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, trong năm vừa qua cũng được ghi nhận về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh. Toàn bộ công tác xác định chỉ tiêu, tuyển sinh hiện nay được ứng dụng 100% công nghệ, học sinh đăng ký tuyển sinh hoàn toàn qua mạng internet.
Điều này tạo thêm cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học nắm bắt được thông tin, đồng thời giúp Bộ GD-ĐT quản lý được toàn bộ dữ liệu từ giai đoạn học sinh còn học THPT cho đến đầu vào của đại học, vì phải có "đầu vào" mới có "đầu ra". Nếu trường hợp nào chỉ có "đầu ra" mà không có "đầu vào", dữ liệu trên hệ thống sẽ thông báo để cán bộ theo dõi nắm bắt được, từ đó rà soát một cách kỹ lưỡng và minh bạch.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý theo dữ liệu, ràng buộc các cơ sở giáo dục phải đảm bảo thực hiện đúng cam kết cơ sở chất lượng cho người học.
Bộ GD-ĐT và các trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc cấp văn bằng. Trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục đại học đặt ra tiêu chí cao trong việc lựa chọn đối tác nên trong thông tư mới nhất liên quan đến việc công nhận văn bằng đã quy định rõ, đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực: những người học tốt nghiệp các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được mở từ thời điểm này sẽ không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng nữa.
Theo đó, mặc nhiên bằng cấp của chương trình liên kết đào tạo đó được công nhận tại Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp tại các chương trình đào tạo liên kết hoàn toàn có thể yên tâm tham gia vào thị trường lao động, với tất cả các loại hình từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các doanh nghiệp.
- Mùa tuyển sinh năm 2024 đã bắt đầu, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng có thể chia sẻ với thí sinh về cách lựa chọn chương trình liên kết chuẩn được Bộ GD-ĐT công nhận, tránh “tiền mất tật mang”? Ông có thể đưa ra lời khuyên để thí sinh và phụ huynh yên tâm đăng ký lựa chọn vào ngành học, trường học chất lượng, được Nhà nước công nhận?
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng: Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc công khai thông tin về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Do vậy, người học nên chủ động vào cổng thông tin cơ sở đào tạo mình quan tâm để tìm hiểu và lựa chọn, đánh giá ngành nghề, chương trình liên kết nào phù hợp với năng lực và mong muốn phát triển của bản thân.
Tôi tin thế hệ trẻ ngày nay sẽ có sự nhanh nhạy, thông minh và tính chủ động cao để đưa ra quyết định của mình.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Anh Dũng đã chia sẻ!