Bản kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT dài 19 trang.
Chưa thực hiện đầy đủ các quy định về Hội đồng Học viện
Về điều kiện thực hiện quyền tự chủ trong mở ngành đào tạo, theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt chất lượng cơ sở giáo dục đại học lần thứ nhất (tháng 9.2017) và lần thứ 2 (tháng 2.2023); đã công khai kết quả kiểm định gồm Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và các chương trình được kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng. Kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo đại học theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA.
Nhà tường đã ban hành và tổ chức thực hiện đầy đủ quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ, quy chế làm việc, có các chính sách bảo đảm chất lượng. Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học thông qua việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện...
Học viện đã thực hiện công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Về việc tự chủ mở ngành trình độ đại học, trong thời kỳ thanh tra, từ năm 2020 đến 31.12.2022, Học viện đã tự chủ mở 03 ngành trình độ đại học. Trình tự mở ngành được Học viện thực hiện gồm 10 bước, bảo đảm Điều 2 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT; đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu đáp ứng theo đúng quy định...
Được biết, đến thời điểm thanh tra, Học viện đang đào tạo 43 ngành đào tạo trình độ đại học, 17 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 15 ngành đào tạo tiến sĩ; Học viện có 12 giáo sư, 77 phó giáo sư, 360 tiến sĩ, 478 thạc sĩ, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu cơ bản đảm bảo điều kiện các ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót về điều kiện thực hiện quyền tự chủ. Cụ thể:
Từ thời điểm tháng 6.2023, Hội đồng Học viện (HĐHV) Khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026 có 20 thành viên, là số chẵn nên chưa bảo đảm quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 16 Luật Giáo dục đại học.
Việc giao Chủ tịch HĐHV khóa I nhiệm kỳ 2016-2021 điều hành HĐHV nhiệm kỳ 2021-2026 từ 3.2021 đến 02.2023 (Quyết định số 1172/QĐ-BNN- TCCB ) và giao ông Vũ Ngọc Huyên phụ trách, điều hành HĐHV khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026 từ 2.3.2023 đến nay (Quyết định số 756/QĐ-BNN-TCCB) là chưa thực hiện đầy đủcác quy định tại khoản 4, 5 Điều 16 Luật Giáo dục đại học và Điều 7 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
Nghị quyết số 42/HĐHV-QN ngày 12.10.2020 và Nghị quyết số 5813/NQ-HĐHV ngày 22.11.2021 ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Học viện có căn cứ ban hành là Quyết định số 1026/QĐ-BNN-TCCB ngày 13.5.2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện NNVN. Điều này chưa phù hợp với quy định về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và thẩm quyền của HĐHV theo quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục đại học.
Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện từng thời điểm, Học viện đã xây dựng và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc; văn bản nội bộ về tổ chức, nhân sự, quy chế, chế độ làm việc, quản lý tài chính... Tuy nhiên, một số văn bản được ban hành trong giai đoạn 2014-2017 và đang triển khai rà soát sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ của HĐHV 2021-2026 theo Quyết định số 4377/QĐ-HVN ngày 4.8.2023 của Giám đốc Học viện.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót trên thuộc về Hội đồng Học viện, Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện phụ trách công tác tổ chức cán bộ và các cá nhân có liên quan.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành Luật chưa đảm bảo quy định
Về các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo, theo kết luận thanh tra, đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành Luật đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT nhưng chưa bảo đảm quy định có tối thiểu 03 tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực Pháp luật tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT.
Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trên thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và các bộ phận quản lý tổ chức đào tạo ngành.
Về điều kiện thực hiện quyền tự chủ trong mở ngành đào tạo, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị các biện pháp xử lý như sau:
Tiếp tục củng cố, phát triển các kết quả đạt được về bảo đảm các điều kiện tự chủ và thực hiện quyền tự chủ của Học viện, trong đó có việc thực hiện cơ chế giám sát trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác của Đảng ủy - Hội đồng Học viện Giám đốc Học viện; thực hiện tốt các điều kiện tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; việc đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học, thực hiện, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo của giáo dục đại học; cơ bản đảm bảo các điều kiện tự chủ trong tổ chức và nhân sự, tự chủ trong tài chính và tài sản... và nhiều chính sách sử dụng, phát triển đội ngũ; khuyến khích bảo đảm chất lượng đào tạo, phát triển khoa học công nghệ và thực hiện tự chủ tài chính khác.
Khẩn trương kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng Học viện nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đúng quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Giáo dục đại học; quy định về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường... tại Điều 7 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Khẩn trương rà soát, kiện toàn số lượng thành viên HĐHV để bảo đảm đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Giáo dục đại học.
Khẩn trương triển khai Quyết định số 4377/QĐ-HVN ngày 04/8/2023 của Giám đốc Học viện ban hành Chương trình xây dựng quy chế, quy định, quy định, quy trình cho phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu quản trị Học viện của HĐHV nhiệm kỳ 2021-2026.
Đối với Quy chế tài chính, Quy chế quản lý nguồn thu và Quy chế chi tiêu nội bộ cần cập nhật các quy định hiện hành của Chính phủ vê tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021; về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31.12.2023).
Tiếp tục nghiên cứu Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 để xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm), báo cáo Bộ NN&PTNT quyết định giao quyền tự chủ tài chính và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định mức thu học phí và giá các dịch vụ giáo dục, đào tạo khác theo quy định hiện hành.
Rà soát bổ sung giảng viên cơ hữu ngành Luật và mã ngành đào tạo Kinh tế tài chính
Về các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị, rà soát, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành Luật trình độ đại học, bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18.01.2022 và Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 13.9.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2030".
Rà soát và quy định lại mã ngành đào tạo Kinh tế tài chính trình độ đại học, bảo đảm phù hợp với Danh mục thống kê ngành đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06.6.2022.
Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu tại Kết luận thanh tra.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, trong đó ghi rõ lộ trình, giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu tại Kết luận thanh tra. Báo cáo kết quả khắc phục và việc thực hiện các kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT (qua Thanh tra và Vụ Giáo dục Đại học) sau 30 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận thanh tra.