Ngày 21.6, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
-Thưa bà, vì sao Bộ GD-ĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 quy định các tiêu chí, điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo chất lượng cao (trình độ đại học) và quy định quy trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xác nhận, xét duyệt hồ sơ.
Đến nay, các trường đại học tự chủ và chịu trách nhiệm về các tiêu chí, điều kiện để xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo không thấp hơn các yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành.
Khoản 6 Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học 2018 không có quy định về chương trình đào tạo chất lượng cao, không giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định riêng về loại hình chương trình đào tạo này; việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-Một số ý kiến cho rằng việc ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học trong những năm tới. Bộ GD-ĐT có tính đến tình huống này không?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Việc bãi bỏ Thông tư 23 về đào tạo chất lượng cao theo mô hình cũ không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.
Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, bao gồm việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến chương trình đào tạo.
Việc các cơ sở đào tạo đã và đang đào tạo các chương trình như chương trình kỹ sư tài năng, chương trình tiên tiến... vẫn tiếp tục thực hiện như bình thường, riêng việc thu học phí thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Do đó, việc ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học trong những năm tới.
- Quyền lợi và bằng cấp của sinh viên đang học chương trình chất lượng cao trong thời gian tới sẽ được đảm bảo như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Sinh viên theo học chương trình đào tạo ngành nào thì được cấp bằng tốt nghiệp ngành đó theo quy định của pháp luật. Do đó, việc ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 về đào tạo chất lượng cao theo mô hình cũ không ảnh hưởng tới quyền lợi và bằng cấp của sinh viên.
Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
- Như vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao” mà các trường vẫn được đào tạo chương trình chất lượng cao nhưng với tên gọi khác?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Như tôi cũng đã trả lời ở trên, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
-Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc đào tạo này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc đào tạo này nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ!
Ngày 15.6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.12.2023.
Theo Thông tư mới, các chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học kể từ năm sau. Những khóa đã tuyển sinh trước ngày 1.12.2023 được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.
Trên các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng việc ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học trong những năm tới.