Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến 2 vụ việc “lọt đề” gây xôn xao những ngày qua. (Video: Quốc Việt)
Xử lý 2 thí sinh vi phạm thế nào?
Chia sẻ về quan điểm xử lý 2 thí sinh vi phạm tại Cao Bằng và Yên Bái, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết Bộ Công an sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra; xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; đặc biệt là căn cứ vào hành vi của đối tượng.
Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý hình sự, nếu không sẽ xử lý hành chính.
Việc xử lý hành chính căn cứ vào Nghị định 144 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội. Trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
“Khi xử lý, chúng ta cũng phải xem xét đến tính nhân văn trong việc này. Với trường hợp này, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh. Kết quả sẽ được thông báo đến cơ quan báo chí”, Thiếu tướng Chung cho hay.
Về vấn đề dùng khái niệm “lọt đề” hay “lộ đề” trong trường hợp nào là chính xác, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết khái niệm “lộ” trước đây đã được sử dụng vào trong pháp lệnh bảo vệ về bí mật Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đã có Luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, sử dụng từ “lộ”.
“Do đó, căn cứ theo pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật về bí mật Nhà nước thì chỉ còn khái niệm “lộ”, sẽ không sử dụng từ “lọt”, Thiếu tướng Chung nhấn mạnh.
Đã xác định được người kết nối ở bên ngoài với 2 thí sinh vi phạm
Thiếu tướng Trần Đình Chung cũng thông tin, qua việc 2 thí sinh chụp ảnh đề thi, gửi ra bên ngoài, A03 đã nhanh chóng phối hợp, xác minh ở các địa phương xảy ra vụ việc. Qua đó, đã xác định được người kết nối ở bên ngoài.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục có kiểm tra, xác minh; kết hợp với sự trình bày, khai báo của các đối tượng liên quan khác để xác định xem có lời giải được chuyển vào hay không. Tuy nhiên theo điều tra hiện nay, chưa có lời giải được chuyển vào”, Thiếu tướng thông tin. Ông cũng đồng thời khẳng định 2 trường hợp xảy ra không ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả của kỳ thi cũng như công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong kỳ thi.
Thiếu tướng Chung nhấn mạnh, thời gian sắp tới, việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử chắc chắn sẽ còn xảy ra.
Để hạn chế vấn đề này, trong thời gian trước khi tổ chức kỳ thi, Cục Nghiệp vụ, Bộ Công an đã phối hợp với công an ở địa phương triệt phá 2 nhóm đối tượng (cụ thể là khoảng 90 cá nhân ở 28 địa phương) đã có hành vi mua bán, sử dụng, thuê các thiết bị. Đây là công tác Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để hạn chế việc sử dụng thiết bị công nghệ cao.
Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh, gia đình và các đối tượng khác khi có hành vi mua bán sử dụng các thiết bị công nghệ cao phải biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó, hạn chế thực hiện những hành vi này.
Thiếu tướng Chung cũng đề xuất qua vụ việc trên, cần có nghiên cứu về thiết bị để chống và phát hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ cao được giấu trong người. Bên cạnh đó, cần đào tạo, huấn luyện, tổ chức tập huấn nâng cao khả năng nhận biết, phát hiện việc vi phạm của đối tượng khi sử dụng thiết bị công nghệ cao.
Bộ GD-ĐT cho biết theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch.
Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.
Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.