Mở rộng thị trường tiêu thụ, sử dụng tro, xỉ
Tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, EVN cùng các đơn vị thành viên đang quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng. Thời gian qua, EVN đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), triển khai các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Hiện nay, các thông số phát thải của các Nhà máy Nhiệt điện đều đã được quan trắc tự động liên tục và truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để theo dõi, giám sát 24/24h. Kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ tại các khu vực nhà máy và môi trường xung quanh từ khi các tổ máy đi vào vận hành (từ năm 2019) đến nay đều đáp ứng quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT.
Để giảm thiểu tối đa việc phát sinh bụi trong quá trình hoạt động sản xuất, ngăn ngừa phán tán ra môi trường xung quanh, EVN và các đơn vị đã nghiên cứu, triển khai bổ sung nhiều biện pháp (so với ĐTM được duyệt). Những biện pháp hữu hiệu đã triển khai trong thời gian qua như: che chắn băng tải than, tháp chuyển tiếp than; phun sương dập bụi; triển khai giải pháp vận hành cấp than, đánh phá đống than linh hoạt, thích ứng với từng điều kiện thời tiết; thực hiện giải pháp giảm bụi từ khu vực silo và vận chuyển tro xỉ…
Hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ dù đã tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tới nay, lượng tro xỉ đã đạt khoảng 90% năng lực lưu trữ của bãi chứa. Thực tế, việc khó khăn trong tiêu thụ mang tính chất đặc thù khu vực. Tại nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ đạt 100%.
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện của EVN đã đạt chuẩn hợp quy, quy chuẩn để sử dụng làm phụ gia xi măng, vật liệu san lấp, sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng... EVN kiến nghị tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện để các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân mở rộng thị trường tiêu thụ, sử dụng tro, xỉ trong san lấp, triển khai công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận – trung tâm năng lượng lớn quốc gia
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Trưởng đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các sở ngành, địa phương của tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến các nội dung theo quy định pháp luật, các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện; rà soát, đánh giá lại việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về phát triển năng lượng tại Bình Thuận…
Về một số vấn đề cụ thể, với công tác môi trường, xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và các địa phương lân cận nghiên cứu, tiếp tục hỗ trợ phương án dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng, hoàn nguyên các mỏ, làm vật liệu kè chống xói lở các công trình ven biển và để lấn biển…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng các yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vấn đề di dân quanh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo môi trường…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận tại buổi làm việc, việc phát triển năng lượng (chủ yếu là năng lượng điện) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 căn cứ theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước. Bộ Chính trị đã có kết luận số 76-KL/TW ngày 28.11.2013 xác định Bình Thuận là trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.