 Biếm họa của Lý Trực Dũng |
Trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các họa sỹ biếm họa đã ngay lập tức thể hiện thái độ. Chỉ một thời gian ngắn phát động, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được 198 tác phẩm của 48 tác giả, có họa sỹ 85 tuổi vẫn hăng hái vẽ tới gần 20 tranh, cũng có nữ họa sỹ lần đầu vẽ tranh biếm họa. Do điều kiện trưng bày, triển lãm Hướng về Biển Đông (diễn ra từ 30.6 - 7.7 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội) chỉ giới thiệu 80 tác phẩm của 35 tác giả, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và truyền thông. Họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: tranh biếm họa vừa có nội dung thâm thúy vừa có chất biếm sâu sắc, qua đó thể hiện quan điểm chính trị, trình độ chuyên môn của các nghệ sỹ.
 Biếm họa của Mai Sơn |
Đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm khai thác triệt để đặc trưng của biếm họa là điển hình hóa, tượng trưng hóa nhằm đả kích, chế giễu những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong cách ứng xử trên Biển Đông. Tác phẩm của họa sỹ Mai Sơn cho thấy trong lịch sử, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ các thời nhà Hán, Minh, Thanh... cho đến gần đây là Hoàng Sa 1974, Biên giới 1979, Trường Sa 1988 và đến năm 2014 là đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này hoàn toàn trái ngược với câu nói Người Trung Quốc không có gene xâm lược mà một vị lãnh đạo Trung Quốc từng phát biểu. Nhiều tác phẩm cũng phô bày những âm mưu, sự xảo trá luôn giả danh nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc với các luận điệu như: Trỗi dậy trong hòa bình hay Láng giềng hữu hảo, hoặc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp ngoại giao… nhưng thực tế hành động của họ lại phi pháp, coi thường đạo lý... Có họa sỹ vạch rõ dã tâm thâm độc của Trung Quốc trong việc chia rẽ khối đoàn kết ASEAN...
 Biếm họa của Phạm Tấn Phú |
Triển lãm đã góp thêm tiếng nói, hòa vào tinh thần đấu tranh quyết liệt của nhân dân cả nước phản đối sự bành trướng, gian giảo, trắng trợn của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Họa sỹ Lý Trực Dũng nhận định, đây là những bức tranh tốt nhất của các họa sỹ biếm họa Việt Nam, về cả ý tưởng, hình thức sắc sảo, màu sắc ấn tượng... Theo họa sỹ Hà Huy Chương: tranh biếm họa thể hiện được nhiều nội dung mà bằng ngôn ngữ khó có thể diễn tả, thậm chí có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, dễ dàng đến với nhân dân trong nước, cũng như giúp bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Cùng một đề tài nhưng 100 tác giả vẽ sẽ cho ra 100 tác phẩm phản ánh nội dung, thể hiện thái độ khác nhau. Do vậy, việc thu hút đông đảo các tác giả vẽ tranh biếm họa về vấn đề Biển Đông hiện nay là cần thiết. Họa sỹ Hoàng Dzự (Dzím) đồng tình: các họa sỹ đã khai thác thế mạnh đặc biệt của biếm họa mà các hình thức thông tin tuyên truyền khác không thể có để vạch trần những thủ đoạn, hành vi lấn chiếm, xâm lược của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số biếm họa đã bị giản lược vụng về thành tranh cổ động, hoặc biến thành tranh minh họa cho những khẩu hiệu quen thuộc... Họa sỹ Lý Trực Dũng góp ý: trong các triển lãm kế tiếp nên có tên triển lãm, lời giới thiệu bằng song ngữ Việt - Anh để quảng bá đến người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nên tổ chức triển lãm tại các tỉnh, thành phố, cả không gian trong nhà và ngoài trời, thậm chí Hội Mỹ thuật Việt Nam có thể in tuyển tập tranh biếm họa này để các tác phẩm đến được với đông đảo công chúng trong cả nước.
 Biếm họa của Hà Huy Chương |
Biếm họa cũng là một cách làm chính trị - họa sỹ Trần Khánh Chương khẳng định. Sắp tới, các họa sỹ sẽ tiếp tục vẽ để thể hiện, cập nhật các vấn đề của biển đảo nước ta. Ngày 30.7, các tác phẩm biếm họa tiếp tục được giới thiệu tại triển lãm do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ở Hải Phòng.
 Biếm họa của Mai Sơn |
Lê Thủy