Bí quyết giúp nam sinh 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học

Ở tuổi 22, Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 2002, tại TP. Hồ Chí Minh), cử nhân chuyên ngành Kỹ sư hóa sinh tại Đại học Nam Florida (Mỹ) ghi dấu ấn với thành tích xuất sắc với 55 công bố khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực y học.

Các công bố quốc tế của Nguyễn Hải Đăng được đăng tải trên các tạp chí đầu ngành như The Lancet Global Health, British Medical Journal, The Lancet Regional Health-Western Pacific và lĩnh vực khoa học kỹ thuật như IEEE Transactions on Learning Technologies, The Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), The Journal of Physical Chemistry B.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, Hải Đăng cũng chinh phục các giải thưởng nghiên cứu khoa học tại các hội nghị quốc tế trong và ngoài nước như giải Nhất Global Health Catalyst Summit tại Đại học Pennsylvania, giải Nhì tại hội nghị NanoFlorida và Global Nanobiotechnology Consortium, giải Ba tại Florida Blue Health Innovation.

Những kinh nghiệm quý giá này cũng giúp Hải Đăng đạt được những học bổng giá trị như học bổng Social Innovation + Change Initiative từ Đại học Harvard Kennedy, học bổng Global Clinical Scholars Research Training từ Đại học Y Harvard. Đặc biệt, vừa qua, Hải Đăng đã được tập đoàn Vingroup trao cơ hội học bổng để theo học chương trình thạc sĩ dịch tễ học tại Đại học Harvard.

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
Nguyễn Hải Đăng

Gõ cửa phòng từng thầy để xin cơ hội làm nghiên cứu 

- Lý do nào khiến Hải Đăng nhận ra mình yêu thích nghiên cứu khoa học và muốn theo đuổi hướng đi này?

Nguyễn Hải Đăng: Nghiên cứu khoa học cho em câu trả lời về những vấn đề mà cộng đồng chúng ta vẫn chưa thể giải đáp được.

Ba em làm việc trong lĩnh vực y tế. Em nhớ khi còn nhỏ, em được đi cùng ba đến các vùng quê xa xôi để khám chữa bệnh cho các em nhỏ mang bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam. Em luôn tự hỏi tại sao hơn 80% số ca tử vong do bệnh tim mạch lại xảy ra ở trên các nước đang phát triển, mặc dù thế giới đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ và điều trị y học? Đó là những khoảnh khắc, lý do đầu tiên cho em sự yêu thích với khoa học.

Em đam mê và dùng khoa học như một công cụ để biến những kiến thức trên sách vở trở thành những kỹ năng thiết thực, với hy vọng một ngày nào đó nỗ lực của mình có thể làm cho người dân tại những vùng sâu, vùng xa Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều có thể tiếp cận được đến các dịch vụ y tế thiết yếu.

Vào năm nhất đại học, khi bản thân còn chưa có nhiều kinh nghiệm, em đi gõ cửa phòng từng thầy để xin cơ hội làm nghiên cứu cùng. Em biết rằng để có thể truyền đạt lại kiến thức, các thầy phải bỏ rất nhiều tâm sức nên em rất trân trọng và dành phần lớn thời gian cho những dự án mà mình có cơ hội được tham gia. Có nhiều hôm, em ngủ tại lab để làm thí nghiệm và em luôn cảm thấy rất vui mỗi khi có phát hiện mới trong nghiên cứu khoa học.

Đến những năm sau này, khi dự định tham gia vào một dự án mới, em vẫn thường tìm hiểu hướng nghiên cứu của các giáo sư đó rất kỹ, thậm chí 3 - 4 tuần hoặc hơn để đảm bảo độ phù hợp với bản thân. Thông qua đó, em cũng thể hiện được niềm đam mê của mình trong các dự án nghiên cứu và các cơ hội cũng đến dễ dàng hơn.

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
Trong 2 năm cuối đại học, Hải Đăng đã đi đến các vùng nông thôn tại châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á, tham gia vào những dự án của các tổ chức phi lợi nhuận và Chính phủ để tìm hiểu thêm về sự khác biệt trong văn hóa, đời sống và môi trường ở các nước sở tại, đem lại một góc nhìn đa chiều về những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân

Đọc hơn 200 bài báo khác nhau và chỉ có 3 trang được sử dụng trong bản thảo

- Hải Đăng đăng bài báo quốc tế đầu tiên vào thời gian nào?

Nguyễn Hải Đăng:Bài báo quốc tế đầu tiên của em là một bài tổng quan nghiên cứu được thực hiện vào năm nhất đại học, với tựa đề “Quantum leap from gold and silver to aluminum nanoplasmonics for enhanced biomedical applications”.

Vào thời điểm đó, thầy em có quan niệm rằng cách để học một chủ đề khoa học nhanh nhất là viết một bài báo tổng quan, nên tụi em đã dành thời gian một tháng để lên ý tưởng và hoàn thành bản thảo đầu tiên. Khi ấy, em vẫn chưa biết đọc và viết báo khoa học, nên em còn nhớ mình phải đọc hơn 200 bài báo khác nhau để có thể tổng kết ra được 40 trang về chủ đề plasmon và ứng dụng của hạt nano trong lĩnh vực y học, nhưng cuối cùng chỉ có 3 trang được sử dụng trong bản thảo chính thức.

Có rất nhiều khó khăn trong dự án đầu tiên vì kiến thức của em trong lĩnh vực chuyên môn tại thời điểm này còn khá hạn hẹp và vốn từ được dùng trong khoa học hàn lâm cũng cần một thời gian lâu dài để có thể thích nghi. Tuy nhiên, bài báo này mang lại ý nghĩa rất lớn đối với em vì đã đánh dấu bước chân đầu tiên của em trong con đường trở thành một nhà nghiên cứu khoa học. 

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
Hải Đăng (ngoài cùng bên phải) cùng với bạn học

Định hình bản thân qua từng giai đoạn nghiên cứu

- Để có 55 bài công bố tại các tạp chí quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực y học có lẽ không phải là điều dễ dàng, nhất là với một người trẻ như em. Hải Đăng đã đi qua từng giai đoạn nghiên cứu như thế nào và bản thân em trưởng thành ra sao sau từng giai đoạn đó?

Nguyễn Hải Đăng:Trong lĩnh vực y học, em đang thực hiện các dự án về y tế toàn cầu và y tế cộng đồng, với mong muốn đề tài thạc sĩ của mình sẽ tập trung nghiên cứu vào các căn bệnh không truyền nhiễm như tim mạch tại các nước Đông Nam Á. Đồng thời, vì theo học chuyên ngành kỹ thuật hóa sinh những năm đại học, em cũng rất hứng thú với những dự án về công nghệ y sinh, đặc biệt là các ứng dụng của máy học và trí tuệ nhân tạo trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trong quá trình học tập để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học, em tin rằng mình đã có những bước đi đúng đắn để có được những thành quả như ngày hôm nay.

Vào giai đoạn đầu, em tham gia những nhóm khoa học cơ bản để học kỹ năng phân tích số liệu và thu mẫu - những thí nghiệm cần phải thử và sai nhiều lần. Lúc ấy, em suy nghĩ rằng đây không phải là thời điểm để xuất bản mà là cơ hội để tích luỹ một nền tảng kiến thức vững chắc cho bản thân. Điều này dẫn đến việc cả 4 bài báo với vị trí tác giả thứ nhất của em vẫn đang trong quá trình bình duyệt và chưa được công bố mặc dù đã được thực hiện từ những năm đầu đại học. Nhưng thay vào đó, những giá trị cốt lõi nhất trong nghiên cứu khoa học như tính bền bỉ và sự sáng tạo em lại học được trong quãng thời gian này. 

Với mong muốn là một người bác sĩ có thể đóng góp trong việc phát triển các liệu pháp điều trị cho y học tương lai thay vì trở thành một nhà khoa học cơ bản thuần tuý, nghiên cứu của em đã dần mở rộng để có thể bao quát tất cả các bệnh lý như tim mạch, ung thư, viêm gan và các căn bệnh truyền nhiễm. Là người thiên hướng tiếp thu kiến thức phần lớn thông qua thực hành, em tham gia rất nhiều dự án nghiên cứu như một cách để hiểu thêm về các cơ chế hoạt động của bệnh.

Lúc ấy, em liên tục xuất bản vì đặc tính cấp thiết của ngành y tế cộng đồng, từ những dự án liên quan đến đại dịch Covid-19, bệnh vi rút đậu mùa khỉ hay sốt xuất huyết, dẫn đến những tổng quan tài liệu có hệ thống thường sẽ được đổi mới chỉ sau 1-2 năm. Vì thế, tuy rằng số lượng các công bố chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng của bản thân, việc liên tục tham gia vào các dự án nghiên cứu để học hỏi và làm việc với những nhà khoa học tâm huyết khác đã giúp em có thể chia sẻ kiến thức của mình đến cộng đồng một cách thường xuyên hơn. 

Vào giai đoạn cuối cùng, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi em có cơ hội được học tập và làm việc dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Phan Mạnh Hưởng tại Đại học Nam Florida - một trong những người thầy đầu tiên và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với em. Là một chuyên gia trong lĩnh vực từ học, thầy và nhóm nghiên cứu đã hợp tác cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh để thu thập cơ sở dữ liệu trên hơn 400 bệnh nhân tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Đây là dự án quốc tế đầu tiên em được tham gia với vai trò người quản lý, đã đặt tiền đề cho những hợp tác y tế trải dài khắp 5 châu lục của em sau này. 

Với một nền tảng vững chắc, tư duy phân tích đa chiều và kỹ năng giải quyết vấn đề của một kỹ sư, cô đọng thêm kiến thức y khoa lâm sàng và trải nghiệm thực tế, cuối cùng kết hợp với năng lực quản lý lãnh đạo thông qua việc hợp tác đa quốc gia và lĩnh vực, từng cột mốc thời gian này đã hình thành nên em của ngày hôm nay.

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
Hải Đăng mong muốn trở thành người bác sĩ có thể đóng góp trong việc phát triển các liệu pháp điều trị cho y học tương lai thay vì trở thành một nhà khoa học cơ bản thuần tuý

Ấp ủ mong ước xây dựng một mạng lưới các nhà khoa học của riêng mình

- Được biết trong 1 năm qua, Hải Đăng và nhóm của Đại học Harvard trong mạng lưới quốc tế đã cùng thực hiện một dự ánvề sức khỏe tâm thần trên người lớn và trẻ em tại Châu Á -Thái Bình Dương. Em có thể chia sẻ về dự án này?

Nguyễn Hải Đăng: Dự án về sức khỏe tâm thần trên người lớn và trẻ em tại Châu Á - Thái Bình Dương là dự án phân tích các chính sách và điều luật, các nguồn hỗ trợ tài chính, các dịch vụ y tế và chi phí vận hành, nhóm nghiên cứu có thể chỉ ra các vấn đề cần cải thiện trong hệ thống y tế phục vụ cho người dân có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Với vai trò tổng hợp và tóm tắt y văn, đồng thời áp dụng những phương pháp nghiên cứu định tính như phân tích theo chủ đề dựa trên đặc tính và bối cảnh tại Việt Nam, dự án đã giúp em có một góc nhìn sâu sắc hơn về hệ thống y tế nước nhà.

Xu hướng hiện nay của y tế toàn cầu đang hướng đến sự hợp tác của những nhóm các nhà khoa học trong mạng lưới quốc tế. Nhờ tham gia dự án lần này, em cũng ấp ủ mong ước xây dựng được một mạng lưới các nhà khoa học của riêng mình.

Ngoài ra, em có cơ hội làm việc cùng với Giáo sư Trần Xuân Bách, ở thầy em cảm nhận được sự nhiệt huyết, niềm đam mê và tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế cộng đồng - những điều mà em cần học hỏi rất nhiều.

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
Hải Đăng dự Hội nghị Thường niên lần thứ 31 Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á tại TP. Hồ Chí Minh năm 2023

Liên tục xuất bản không đồng nghĩa với việc xuất bản chất lượng thấp

- Có ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực y tế, ngoài việc tiếp thu kiến thức qua sách vở và thực hành, việc nghiên cứu khoa học và liên tục viết, học hỏi từ những người phản biện cũng đóng một phần quan trọng giúp lĩnh hội tri thức. Em nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Hải Đăng:Em hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Việc rèn luyện kỹ năng và tiếp thu kiến thức thông qua sách vở là điều kiện thiết yếu để tạo dựng nên một nền móng vững chắc, còn thực hành sẽ cho chúng ta thấy được rằng lý thuyết không phải bao giờ cũng có thể áp dụng được trong các tình huống thực tế.

Trong 2 năm cuối đại học, em đi đến các vùng nông thôn tại châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á, tham gia vào những dự án của các tổ chức phi lợi nhuận và Chính phủ để tìm hiểu thêm về sự khác biệt trong văn hóa, đời sống và môi trường ở các nước sở tại, đem lại một góc nhìn đa chiều về những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân. 

Mặc dù kiến thức và thực hành đều quan trọng, em tin rằng sự trưởng thành trong học thuật của một sinh viên đồng thời cần phải có sự kết hợp với việc làm nghiên cứu khoa học thông qua việc áp dụng những công cụ mình đã học được để giải quyết những bài toán mới và thực tế.

Quá trình xuất bản và phản biện từ các chuyên gia cũng góp một vai trò rất quan trọng trong việc mài dũa ý tưởng, phương pháp nghiên cứu và cách trình bày kết quả khoa học để thông điệp có thể được truyền tải đến mọi người một cách tốt hơn. Theo em, nếu chỉ thực hiện bước 1 và 2 thì những gì cô đọng lại được chỉ là trải nghiệm, còn thêm bước 3 thì bản thân sẽ hình thành được năng lực chuyên môn.

Em rất may mắn khi có cơ hội được làm việc tại các phòng nghiên cứu ở Đại học Harvard, Stanford, University of Pennsylvania,... khi còn là sinh viên - nơi mà việc tham gia nghiên cứu khoa học và xuất bản rất được khuyến khích và đẩy mạnh như một cách để cập nhật kiến thức ngoài sách vở.

Trong lĩnh vực y khoa, khi các phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị luôn được cải tiến song song với sự phát triển của nền khoa học, khi cái đúng của ngày hôm nay lại trở thành cái sai của ngày mai, thì việc cập nhật và chia sẻ tri thức là điều cần thiết.

Ngoài ra, khác với nhiều người nghĩ, liên tục xuất bản không đồng nghĩa với việc xuất bản chất lượng thấp và được phép sử dụng số lượng để bù chất lượng, vì các bản thảo được chấp nhận vào các tạp chí Q1 hoặc Q2 thường được xem là điều hiển nhiên.

Hiện tại, hệ thống đại học ở Việt Nam đã làm rất tốt trong việc trau dồi kỹ năng và trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, nếu có thể kết hợp với nghiên cứu khoa học và hỗ trợ học sinh xuất bản ra sản phẩm hoàn chỉnh thì sinh viên sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi ra môi trường quốc tế, nơi thường có yêu cầu cao về năng lực và kết quả đầu ra thực chất.

Chàng trai 22 tuổi người Việt có 55 công bố quốc tế trên các tạp chí đầu ngành lĩnh vực y học -0
 Hải Đăng chia sẻ: "Lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học là một việc không dễ dàng và cần có nhiều sự hy sinh, nhưng em tin rằng giá trị mà những nhà khoa học mang lại cho xã hội là rất lớn và đáng quý trọng"

- Hiện nay, việc sử dụng công cụ AI hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học dần trở nên phổ biến. Bản thân em đã sử dụng công cụ hỗ trợ này vào việc nghiên cứu của mình như thế nào?

Nguyễn Hải Đăng: Gần đây, mọi người thường nói: “AI sẽ không thay thế con người, nhưng những người sử dụng công nghệ AI sẽ thay thế những người không sử dụng nó”.

Bản thân em là một người làm nghiên cứu về công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo nên em nhận thức được những giá trị mà sự phát triển của khoa học và kỹ thuật mang lại. Cũng như những phát minh mang tính đột phá khác như công nghệ biến đổi gen CRISPR, liệu pháp tế bào gốc và nhân bản, blockchain,... những công cụ nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại phúc lợi rất lớn cho xã hội.

Khi em làm nghiên cứu, AI hỗ trợ rất tốt trong việc tóm tắt y văn, từ đó cho phép em sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn để có thể tập trung và nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu. Đồng thời, các công cụ đã giúp em cải thiện cách trình bày vấn đề để bản thảo được chỉnh chu và gãy gọn, thông tin dễ dàng tiếp cận độc giả hơn. 

Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của chúng em có nộp bản thảo vào một trong các tạp chí đầu ngành ở lĩnh vực y khoa, The BMJ (IF = 93.6). Tuy nhiên, sau khi được chấp nhận xuất bản, ban biên tập có liên hệ về việc sử dụng AI trong quá trình viết bài. Vì đây là một vấn đề còn khá mới lạ trong giới học thuật và hiện tại chưa phải tất cả các tạp chí đều có quy định cho các công cụ hỗ trợ, ban biên tập chỉ yêu cầu nhóm nghiên cứu xác nhận rằng thông tin được trình bày là chính xác và chịu trách nhiệm cho bản thảo.

Tương tự, các tạp chí đầu ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đang có xu hướng cho phép sử dụng công cụ AI để hỗ trợ trong việc xuất bản, miễn rằng các nhà nghiên cứu có thể đảm bảo tính minh bạch. 

- Từ những kinh nghiệm đã trải qua, Hải Đăng có lời khuyên nào tới các bạn trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học và muốn phát triển theo con đường này?

Nguyễn Hải Đăng: Khi mới bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học, em tin rằng việc tìm được những người thầy, người cô sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ các bạn trong những bước đầu tiên là điều quan trọng nhất. Ngoài ra, bản thân cũng cần có một sự bền bỉ, kiên cường vì sẽ có những lúc gặp nhiều khó khăn, thách thức mà cần các bạn vượt qua.

Lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học là một việc không dễ dàng và cần có nhiều sự hy sinh, nhưng em tin rằng giá trị mà những nhà khoa học mang lại cho xã hội là rất lớn và đáng quý trọng.

Em hy vọng những câu chuyện của mình sẽ giúp các bạn có thêm một góc nhìn mới về hành trình này như những gì anh chị đi trước đã từng làm với em!

- Trân trọng cảm ơn Hải Đăng đã chia sẻ!

Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Cô giáo tâm huyết với nghề
Giáo dục

Cô giáo tâm huyết với nghề

Tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Vũ Thị Vân (SN 1976), Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.