“Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”
Giữ mãi lửa nghề
Làng Phú Thượng có 3 làng cổ, làng Thượng Thùy còn gọi là làng “Bạt”, làng Gia Phú là làng “Gạ”, làng Phú Xá là làng “Xù” trong đó có làng Gạ nổi tiếng hơn cả với nghề nấu xôi. Nghề thổi xôi ở đây có từ bao giờ không ai biết rõ, những người cao tuổi kể lại rằng món xôi xưa kia được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng trồng trên cánh đồng của làng với mục đích chính để phục vụ cúng lễ trong họ và đem biếu tặng chứ không làm để bán như ngày nay. Nghệ nhân nấu xôi Công Thị Bình 95 tuổi, người đã cắp thúng xôi ra chợ bán từ năm 14 tuổi cho hay. “Ngày xưa do nằm sát sông Hồng nên đất đai ở đây được bồi đắp màu mỡ vì thế gạo nếp của làng rất ngon và dẻo. Bây giờ làng đã lên phường đất ruộng không còn, người làm xôi phải nhập gạo từ nơi khác về làm nhưng nguyên liệu vẫn được chọn lựa kỹ càng”. Theo như cụ Bình, nếp để thổi xôi phải là nếp nhung đầu mùa hoặc cũng phải là nếp cái hoa vàng hạt đều tăm tắp mới làm được chõ xôi ngon.
Chia sẻ về nghề làm xôi của mình, cụ Bình kể lại, “ngày xưa, nghề này vất vả lắm, tôi đội 2 thúng xôi trên đầu từ 3 giờ sáng đi bộ khắp các con phố của Hà Nội để mưu sinh”. Thúng xôi của cụ ngày ấy đơn sơ lắm, chỉ có xôi lạc và xôi đỗ đen chứ không có các loại xôi gấc, xôi dừa, xôi ngô như bây giờ. Cũng theo cụ Bình, nghề nấu xôi có vất vả thật nhưng nó là nghề truyền thống của làng từ bao đời và đặc biệt hơn nó còn là niềm tự hào của những người như cụ, đã dùng cả cuộc đời để duy trì, tôn tạo và lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo cái nghề tổ tiên để lại.
Những chõ xôi buổi sáng được chuẩn bị giao cho khách của chị Nga |
Là một nghề thủ công, đòi hỏi sự chịu khó, cần cù và tỉ mỉ. Người làm nghề nấu xôi thường phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, ngâm gạo, đỗ, lạc rồi xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… tất cả đã quá quen thuộc từ nhiều năm nay. Con dâu cụ Bình, chị Mai Thị Nga cũng đã có hơn 20 năm trong nghề làm xôi chia sẻ, “hiếm hôm nào tôi thức dậy sau 2 giờ sáng, mọi công đoạn đều tự mình chuẩn bị từ hành, nghệ, gấc cho tới lá để gói xôi”, ngày thường thì chị Mai làm năm, sáu chục cân xôi, còn những hôm nhà hàng đặt hoặc dịp ngày rằm, mùng một hay lễ tết thì lên đến gần 2 tạ.
Khi được hỏi về bí quyết để nấu một chõ xôi ngon chị Mai không ngần ngại chia sẻ, “chọn gạo ngon là đương nhiên rồi nhưng quan trọng không kém là khâu trộn gạo, đây là một kỹ thuật khó khi nấu xôi vì vừa phải đều tay mà không được quá mạnh để hạt gạo bị nứt vỡ, khi trộn phải cho thêm chút muối trắng để xôi đậm đà và hạt gạo bóng đẹp”. Với 20 năm kinh nghiệm, chị Mai bật mí rằng, muốn xôi ngon phải đồ 2 lửa, sao cho xôi gần chín từ tối hôm trước rồi hôm sau đồ lại có như vậy hạt xôi mới dai, dẻo và không bị lại gạo. “Đối với những loại xôi có đường thì việc đồ lại này cực kỳ quan trọng bởi nếu không qua 2 lửa đường sẽ làm hạt gạo bị cứng”, chị Mai nhấn mạnh.
"Chung tình" với món xôi truyền thống
Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội không chỉ thể hiện ở cách chế biến món ăn, mà còn thể hiện trong cách thưởng thức. Người Hà Nội rất khéo léo trong trình độ tổ chức bữa ăn và cách thưởng thức món ăn. Họ rất tinh tế và sành trong việc ăn uống. Thưởng thức một món ăn ngon là sự kết hợp của nhiều yếu tố như món ăn phải hợp khẩu vị, gia vị hợp lý, thức ăn nóng sốt, người ăn cùng chia sẻ tình cảm với người nấu.
Theo nghệ nhân Công Thị Bình, trong các món ăn được sắp cho mâm cúng lễ ông bà, tổ tiên và những người đã khuất, tất nhiên không thể thiếu được món xôi. Xôi được đóng khuôn, làm oản cho cúng tế. Món xôi trong mâm cúng lễ, tỏa hương sắc, tạo một không gian riêng, độc đáo, gợi lòng thành kính, gọi mỗi linh hồn trở về trong một không khí gia đình đầm ấm. Một niềm xúc động trào dâng, mỗi người đứng trước mâm cúng, chắp tay cung kính thần linh và linh hồn những người đã khuất, cầu mong những điều tốt lành… Như thế, có thể hiểu món xôi giống như một sợi chỉ đỏ, chiếc cầu nối thế giới tâm linh với cuộc sống hiện tại. Có lẽ vì thấu hiểu được chân lý đó, cụ Bình luôn nhắc nhở các thế hệ tiếp theo khi làm nghề phải chân thành và cẩn thận như để thờ cúng chính ông bà của mình. Từng chõ xôi làm ra gói chọn là lòng thành kính của người làm nghề.
Mâm xôi cúng thành hoàng làng (Tổ nghề) vào lễ hội “Xôi” hàng năm |
Ngày nay, khi cơ chế thị trường vô tình “thổi bay” nhiều yếu tố truyền thống, nhưng người làng Phú Thượng vẫn chung tình với món xôi truyền thống. Chị Mai Thị Nga chia sẻ, “nhờ có nghề nấu xôi mà gia đình tôi mỗi tháng có thu nhập từ 30-40 triệu đồng, xây được nhà, lo cho con cái ăn học đàng hoàng”. Rõ ràng “xôi” vượt qua định nghĩa của một món ăn, nó còn là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần cũng như kinh tế của người dân Hà Nội nói chung và làng Phú Thượng nói riêng.
Chị Nga và cả cụ Bình đều mong rằng, dù xã hội phát triển đến đâu, thế hệ sau có những lựa chọn riêng cho sự nghiệp của mình thì mỗi gia đình đều có một người nối nghề. Có như vậy, thương hiệu xôi Phú Thượng mới duy trì và phát triển để mãi là một món ngon của người Hà Nội.