Hoàn thiện các chế định về cảnh vệ, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, ngày 16.3.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng lực lượng cảnh vệ tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các chế định của Luật Cảnh vệ quy định về lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao song Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định những người này là đối tượng cảnh vệ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, nội dung các biện pháp cảnh vệ, việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt mặc dù đang được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Luật Cảnh vệ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì các nội dung nêu trên cần phải được cụ thể hóa trong Luật Cảnh vệ. Thực tế cũng cho thấy, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó, bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3; bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng…
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong thời gian gần đây, nhất là thể chế Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 và Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, các chính sách và các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, cần rà soát và quy định trong luật các nội dung làm hạn chế quyền con người, quyền công dân; rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...
Thường trực Ủy ban nhất trí bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (khoản 3, Điều 1) nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa các đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cảnh vệ nói riêng; cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với 3 chức danh, chức vụ như dự thảo Luật là hoàn toàn xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với các quy định của Trung ương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, công tác cảnh vệ cần bảo đảm nguyên tắc “có đi có lại” trong hoạt động đối ngoại, bởi ở nước ngoài có một số vị trí rất quan trọng và đóng vai trò rất cao trong bộ máy nhà nước song ở nước ta lại có vị trí nhất định. Do đó, cần linh hoạt, chủ động trong hoạt động cảnh vệ, không nhất thiết phải duy trì theo vị trí, vai trò trong bộ máy sẵn có. Đồng thời, với vị trí, vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế, nước ta có thể tổ chức nhiều hoạt động quan trọng trong đối ngoại quốc tế mà không nhất thiết phải có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần bổ sung quy định về công tác cảnh vệ trong các hội nghị quốc tế tổ chức tại nước ta mà không phải do ta chủ trì để bảo đảm bao quát đầy đủ thực tiễn.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là điều hoàn toàn phù hợp với vị thế của nước ta hiện nay, do đó, cần bảo đảm trên cơ sở nguyên tắc có đi, có lại và đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại hiện nay.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi để bảo đảm các chính sách nhất quán, tránh sửa nhiều lần. Đồng thời, sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo xây dựng thông báo kết luận, ban soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra chính thức và hoàn thiện báo cáo trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, từ đó trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.