Hai phương án về tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã bổ sung 2 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế (Điểm c, Khoản 17, Điều 1 dự thảo Luật), tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: bổ sung Điểm d, Khoản 4, Điều 18 như sau: “Băng tần, kênh tần số quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này khi cấp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 3 năm để phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong trường hợp đặc biệt.
Sau khi giấy phép hết thời hạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả của việc sử dụng băng tần, kênh tần số đã cấp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng sử dụng hoặc cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng với thời hạn tối đa không quá 12 năm.”.
Theo phương án này thì sẽ không phải bổ sung Khoản 4, Điều 45.
Phương án 2: bổ sung Khoản 4, Điều 45: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.”
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) nhất trí chọn phương án 1, nhưng cũng lưu ý, việc quy định thời hạn không quá 3 năm sẽ không bảo đảm được cho doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh tế đối với tần số vô tuyến điện vì việc cấp giấy phép cho các hoạt động của doanh nghiệp là 15 năm. Như vậy, phải có thời gian để các doanh nghiệp đánh giá thực sự hiệu quả việc kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế và đảm bảo được hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng như những doanh nghiệp khác. ĐB Trần Chí Cường đề nghị, cần xem xét "nới" thời gian dài hơn là 5 năm cho hoạt động kinh tế để đánh giá sát hơn khi cấp phép hoặc không tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp.
Ở góc độ khác, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) bày tỏ băn khoăn với cả 2 phương án; cho rằng, đây là vấn đề chính sách rất lớn và mới so với luật hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng thêm trên quan điểm thận trọng.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần thận trọng nghiên cứu, bảo đảm các nguyên tắc bảo mật, cạnh tranh lành mạnh và đánh giá kỹ tác động.