Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; các thành viên Ban Chỉ đạo.
Trình bày Báo cáo về triển khai xây dựng dự thảo Đề án, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công - Ủy viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, thực hiện Chương trình công tác số 1392 - Ctr/ĐĐQH15 ngày 10.2.2023, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội”. Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1615 - NQ/ĐĐQH15 ngày 6.4.2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đã xây dựng dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ Ủy viên Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo. Theo dự thảo kế hoạch, Đề án dự kiến sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội vào phiên họp tháng 8 này. Tuy nhiên, để bảo đảm nội dung và chất lượng dự thảo Đề án, Ban Dân nguyện đã có Công văn số 848/BDN ngày 13.7.2023 gửi Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội đề nghị báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho phép Ban Dân nguyện chuyển thời hạn báo cáo kết quả xây dựng dự thảo Đề án vào Phiên họp tháng 11 tới.
Tại Phiên họp thứ Nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, việc xây dựng Đề án nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, chất lượng, hiệu quả của hoạt động dân nguyện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, góp phần khẳng định vai trò của Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, quá trình xây dựng Đề án cần đánh giá thực trạng hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong đó, làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, đề ra giải pháp, đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, phù hợp với các quy định hiện hành, đòi hỏi của thực tiễn hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để thực hiện đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, dân nguyện là mong ước, nguyện vọng của nhân dân. Công tác dân nguyện cần làm rõ mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước, đồng thời phản ánh được bản chất ưu việt của Nhà nước. Dân nguyện là yếu tố không thể thiếu trong các hoạt động của Nhà nước, do vậy, chủ thể công tác dân nguyện là Nhà nước. Tuy nhiên, trong phạm vi của Đề án cần tập trung vào chủ thể là công tác dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo cần làm rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi của Đề án. Nội dung của Đề án cần chú trọng 3 nhóm vấn đề: công tác tiếp công dân, giám sát việc tiếp công dân; công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Ban Chỉ đạo bám sát các kết luận của Đảng đoàn Quốc hội để xây dựng dự thảo Đề án; xác định rõ tiến độ thực hiện, xây dựng Đề án.