![]() Ảnh: Vũ Khánh Tùng |
Cha, con, và những cuốn sách
Tôi hơi sững người khi trông thấy con gái đầu của GS. Ngô Bảo Châu. Cô gái 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ quốc tế (ĐH Chicago) vẻ như không ăn ảnh lắm vì ngoài đời xinh hơn nhiều. Nước da trắng sứ, dáng dấp mảnh mai, đường nét thanh nhẹ, cử chỉ dịu dàng, hệt cái tên mà em được bố đặt cho: Ngô Thanh Hiên. Nghe như tên một nhà vườn ở Huế vậy, mà ta từng gặp đâu đó trong những bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Hình như là liên quan đến tên của một ông nhà thơ nào đó cơ!” - Hiên bảo tôi. “Thanh Hiên thi tập” chăng - tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đặt theo tên hiệu của ông? Tôi chỉ thầm đoán thế chứ không muốn gặng hỏi Hiên thêm, cũng chưa có dịp hỏi lại bố em. Rời Hà Nội từ lúc lên 5, hết qua Pháp lại qua Mỹ, Hiên nói tiếng Việt không hẳn sõi (nhiều câu em còn phải chêm cả từ tiếng Anh), dù hầu như năm nào em cũng theo bố về nước làm từ thiện. Nghe nói, Hiên làm khá nhiều thơ bằng tiếng Anh - cái tên Thanh Hiên thế là cũng ít nhiều vận vào người.
“Trưởng nữ” nhà họ Ngô có những ngón tay khá là đặc biệt: mảnh dẻ, trong ngần tựa những sợi thủy tinh, như thể sinh ra chỉ để làm thơ hoặc gõ đàn thôi vậy. Nhưng cũng chính bàn tay với những ngón tay mỏng mảnh đó đã không ít lần giơ lên trong buổi đấu giá từ thiện những cuốn sách bản đẹp của Nhã Nam để giúp gây quỹ cho Chương trình “Cơm có thịt”. Buổi đấu giá hôm đó, hai bố con nhà họ “bám đuổi” nhau quyết liệt ra trò, và cuối cùng phần thắng đã thuộc về cô con gái. Và khi Hiên đứng lên, khán phòng mới ngỡ ngàng nhận ra dưới tay em là đôi nạng gỗ. Sự cố nhỏ không đủ để Hiên vắng mặt trong một sự kiện mà em cho là có ý nghĩa lớn.
Hiên nói, em rất thích được đồng hành cùng bố trong mọi chuyến đi, chứng kiến những cuộc gặp ấm áp, chân tình của bố. “Điều khiến em nể phục bố nhất là dù bố đi khỏi Việt Nam đã lâu, và công việc thì bận rộn, nhưng bố vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những bạn học cũ, hay cách bố tôn trọng ông bà, bố mẹ, thầy cô; cách bố giao lưu, chia sẻ với mọi người… Bố luôn ân cần và ấm áp. Em nghĩ bố Châu là người rất trọng tình và em rất yêu con người ấy của bố” - Hiên nói.
Hiên không biết rằng bố em có một nỗi áy náy với riêng em - điều mà Ngô Bảo Châu chia sẻ là bấy lâu anh chỉ giữ trong lòng chứ chưa từng nói ra với con, hoặc có lúc nào đó muốn nói, thì cũng chỉ nên bằng hành động: “Quãng thời gian 10 - 15 năm trước đây, đúng là mình không có thời gian dành cho gia đình nhiều lắm. Lúc đó mình không bận làm việc xã hội nhưng mình bận làm toán quá. Con gái lớn của mình năm nay 20 tuổi có lẽ là đứa phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trong ba đứa con, vì khi con còn bé, mình thực sự đã không dành đủ thời gian cho con. Bây giờ thì cô ấy cũng vẫn happy thôi, nhưng trong tâm khảm mình vẫn áy náy…”. Nhà toán học nổi tiếng thế giới nói với tôi rằng, bài toán khó giải nhất với anh là nuôi dạy con cái nên người. “Những bài toán khó khác, trách nhiệm của mình có thể hữu hạn, mình chỉ cần cố gắng làm hết sức là được. Nhưng đối với con cái, rõ ràng mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có những chuyện mình có quyền nói mình thất bại, nhưng đối với con cái, mình không có quyền nói thế. Hoặc nếu mình có quyền, mình cũng không chấp nhận được chuyện đó”.
![]() | |
Con gái GS. Ngô Bảo Châu | Ảnh: Đặng Chung |
Châu bảo, sở dĩ anh nhận lời đồng hành cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn trong Chương trình “Cơm có thịt” một phần cũng là vì “muốn lôi bọn trẻ nhà mình lên vùng cao, cho các con chứng kiến và thấy được cuộc sống của những đứa trẻ ở đó. Mỗi lần như vậy, mình tin các con cũng sẽ học được điều gì đó cho cuộc sống của mình. Có rất nhiều vấn đề đạo đức phải có trải nghiệm, do sự quan sát mới tạo ra cảm xúc và nó giáo dục được cho con người tốt hơn nhiều lời nói...”.
Hôm tôi gặp Thanh Hiên, cuốn sách em đang đọc dở là “Phố những cửa hiệu u tối” (bản tiếng Pháp) của Patrick Modiano - nhà văn đoạt giải Nobel 2014, người thường kể rất hay về những tuổi trẻ bất thường và loay hoay định vị. Lại cũng có tuổi trẻ biết quá rõ điều mình muốn, như tuổi trẻ của bố em - nhà toán học Ngô Bảo Châu: “Cả tuổi trẻ mình tự giam cầm bản thân trong cái tháp ngà toán học. Vì thế có rất nhiều câu chuyện về cuộc sống, về đất nước và con người Việt Nam, mình từng không biết, không hiểu gì cả…”. Hiên cũng bảo: “Tuổi trẻ luôn có những nỗi sợ từ trong bản thể. Đi nhiều và đọc nhiều sẽ dần bớt những nỗi sợ ấy. Nó cũng giống như khi bạn đeo nhiều cái kính vậy, bạn chắc chắn sẽ nhìn cuộc đời sống động hơn so với việc chỉ suốt ngày đeo một cái kính. Hoặc như khi bạn uống café, nếu bạn chỉ quen uống một loại thôi, bạn sẽ không thể biết hết được, hương vị của café thực ra là đa dạng và phong phú hơn mức bạn có thể tưởng tượng…”.
Hiên cho biết từ hồi có máy đọc sách Amazon, em và bố ít đi mua sách hơn trước. Nhưng mấy bố con vẫn duy trì thói quen đi hiệu sách và đọc vài trang sách trước khi đi ngủ. Trong đó, có một cuốn mà mấy bố con cứ ưa đọc đi đọc lại mãi, khi thì bằng bản tiếng Anh, khi thì bằng bản tiếng Pháp, đấy là cuốn “Hoàng tử bé”. “Đó như là một giấc mơ chung của bố con em vậy” - Hiên tâm sự. Hiên chắc chắn không nghĩ, bố em lại có lúc nào đó vắng mặt trong tuổi thơ và những giấc mơ của em. “Bố chưa bao giờ dạy em cách làm thế nào để trở thành một người được mọi người tôn trọng, nhưng qua những cuộc gặp của bố, cách bố đối xử với mọi người, tự em đã tìm ra được định nghĩa về con người đó. Điều quan trọng là bố đã giúp em hiểu, con đường đó thật ra không có đích, hoặc không phải cứ chạm đích, là xong...”.
“Cơm có thịt” và những bài toán khác
Tôi hỏi Ngô Bảo Châu là có lúc nào, trên những hành trình của “Cơm có thịt” mà anh cảm thấy… sự vô nghĩa (?!) của bài toán bổ đề anh từng giải được hay không. Bài toán nổi tiếng là cả sự nghiệp để đời của anh, cũng là thành trì đã được công phá của giới học thuật, và vẫn còn đó, 5 bài toán thế kỷ đang chờ người giải, nhưng với nhân loại cần lao, biết đâu họ lại cần đến một bài thuốc chữa ung thư, hay đơn giản hơn là những bữa cơm đủ thịt - những thứ đó thiết thực với nhân sinh hơn nhiều? Có lúc nào đỉnh cao bỗng chợt là vô nghĩa trước đời thường và đám đông cùng khổ? Đã bao giờ anh cảm thấy công việc của mình “cao vời” quá, ở một nơi mà người dân thậm chí còn không biết đến một bài báo, huống hồ một công trình khoa học?...
“Đành rằng, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể coi facebook là một tài nguyên, nhưng theo mình, vẫn nên là cẩn trọng. Tất cả những gì là tài nguyên đều nên được sử dụng một cách cẩn trọng...” |
“Thực ra, mình không vĩ cuồng đến thế, mình không có khát vọng giải quyết được tất cả các vấn đề nhân loại đâu, nên mình không bao giờ bị mặc cảm như thế! Mình làm toán bắt đầu chỉ là vì sự phụng sự khoa học thôi. Tận sâu trong mỗi người và trong chính mình, ai cũng muốn làm giảm sự đau khổ, đúng không? Nhưng mặt khác, đối với một nhà khoa học, họ còn có một chí hướng khác nữa. Đối với những người làm toán nói riêng và khoa học nói chung, họ có một niềm tin nào đó vào công việc của mình. Nếu một người thợ thủ công cố tạo ra một cái đũa, cái thìa đẹp để mọi người thích, thì đối với mình, khi chứng minh được một định lý, giải được một bài toán khó, mình cũng có những khoái cảm tương tự. Nhưng mình tin người thợ thủ công khi làm ra cái đĩa, cái thìa cũng sẽ không nghĩ là vì thế mà nhân dân hết đói đâu! Và ngay cả khi mình tham gia các hoạt động từ thiện, mình cũng không hẳn là đi tìm lời giải. Trong khoa học thì phải tìm ra lời giải, còn trong những hoạt động như “Cơm có thịt”, khi tham gia là mình muốn chia sẻ cuộc sống với người khác. Nó không phải câu chuyện đi tìm lời giải đáp...”.
Không phải là “câu chuyện đi tìm lời giải đáp”, nhưng liệu có không, câu trả lời cho câu hỏi: Đất nước đổi mới đã 30 năm nay, nhưng tại sao vẫn còn đó, bài toán không quá khó giải kia: “Cơm có thịt”? “Cơm có thịt” là bài toán không lớn nhưng lại là một vấn đề rất lớn, phải không, nên giải nó rất khó! Trong một xã hội hoàn hảo, người dân đóng thuế, Nhà nước tạo ra các chính sách phúc lợi và lắm lúc người ta không cần đến các hoạt động từ thiện nữa. Nhưng xã hội đó thực tế nó chưa bao giờ tồn tại cả. Đặc biệt trong một xã hội mà sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn như Việt Nam, thì các hoạt động như “Cơm có thịt” lại càng cần thiết. Cần thiết không chỉ đối với những đứa trẻ thiếu thốn, mà với ngay chính cả những người làm từ thiện, vì họ cảm thấy họ tốt đẹp hơn…”.
Ngô Bảo Châu nói, sau bài toán bổ đề từng “đánh rỗng” anh, từng khiến anh có lúc cảm thấy như mình “mất sạch toàn bộ vốn liếng vào một canh bạc” thì hiện tại, anh đã bình tâm hơn để có thể sẻ mình một cách chuyên tâm hơn cho những công việc mà trước giờ anh chưa có đủ điều kiện để sâu sát. “Có hai việc. Ở Mỹ, mình muốn đào tạo sinh viên. Trước đây mình đã làm công việc này nhưng chưa được chuyên tâm lắm, sau này mình làm chuyên tâm và có vẻ thành công hơn. Và mình tương đối hạnh phúc khi những năm gần đây, sinh viên của mình đã làm được những cái mà trước đây mình không làm được. Còn ở Việt Nam, một trong việc mình bỏ tương đối nhiều công sức là xây dựng Viện Toán. Việc đó tương đối vất vả, thậm chí có nhiều bạn bè ở nước ngoài khuyên mình dừng lại, nên dành thời gian đó mà làm toán. Tất nhiên họ cũng có lý do, nhưng sau 5 năm, mình thấy việc đó đang dần tốt lên và công sức mình bỏ ra đã có được sự đền đáp bước đầu…”.
Hỏi Châu nghĩ sao về cuộc tranh cãi: “Du học sinh nên về hay không nên về nước” mới dấy lên vừa qua, anh bảo: “Tôi thấy nhiều khi báo chí cứ hay sa đà vào những cuộc tranh cãi hơi vô bổ, vẻ như chỉ để gây chú ý. Bởi ngay từ đầu, câu hỏi đặt ra đã sai, thì làm sao có được đáp án đúng. Làm sao có thể đi tìm một câu trả lời cho tất cả mọi người? Rõ ràng câu chuyện đi hay ở là câu chuyện của cá nhân. Và trong mỗi cá nhân, cũng có rất nhiều yếu tố chi phối đến quyết định của họ. Có người thích sống cho chính mình, số ít lại muốn phụng sự đất nước. Không thể lấy một tiêu chuẩn áp đặt cho tất cả”.
Vậy, có không, cái gọi là một thứ “lòng dân”, “cái tôi tập thể” trên facebook? “Thật ra, mình không tin lắm vào những cái mà người ta gọi là “cách mạng facebook”. Vì cách mạng facebook ở Bắc Phi (trừ Tunisia ra) có kết cục tương đối bi thảm, đúng không? Facebook dù có sức mạnh kết nối thì theo mình vẫn nên hạn chế việc sử dụng nó như một công cụ để kêu gọi làm cái gì đó. Đành rằng có lúc mình đã sử dụng nó vào việc đó, chẳng hạn như cái lần kêu gọi bảo vệ cây xanh Hà Nội (chẳng qua mình thấy vô lý quá thì mình phát biểu), nhưng nhìn chung là mình khá hạn chế điều đó. Về mặt nguyên tắc, mình thường hạn chế phát biểu các vấn đề ngoài lĩnh vực công việc của mình. Đành rằng, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể coi facebook là một tài nguyên nhưng theo mình, vẫn nên là cẩn trọng. Tất cả những gì là tài nguyên đều nên được sử dụng một cách cẩn trọng. Đừng quên, mạng xã hội là nơi để chúng ta có được một không gian thư giãn và tìm lại bạn bè - đó là điều cơ bản nhất của facebook chứ không phải một mục đích cao xa nào khác. Vì thế, chuyện gì mình không muốn nghe thì cũng đừng ép người khác phải nghe những chuyện tương tự. Bất kỳ ở đâu thì giao tiếp xã hội cũng cần đến sự lịch thiệp nhất định…”.
Ngô Bảo Châu cũng nói, trong một bài toán mà có thể có nhiều cách giải, thường anh sẽ ưu tiên cách giải đơn giản nhất, vì “đơn giản với người này, thì cũng sẽ đơn giản với người khác”. Cuộc sống, theo anh, có rất nhiều thứ mình phải bỏ qua và phải chấp nhận nó, nhưng có một vài cái, mình nên phẫn nộ. “Phẫn nộ một cách tập trung thôi” - Ngô Bảo Châu cười bảo.