>> Bài 1: Bao giờ giáo viên được hưởng chính sách? Chưa có văn bản hướng dẫn
Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn số 393 ngày 7.3.2018 gửi Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có Công văn số 1733 ngày 09.5.2018 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong khi chờ các “thủ tục” hướng dẫn chính sách của các bộ, ngành liên quan, nhận thấy giáo viên nhà trường rất khó khăn nên tỉnh Yên Bái đã quyết định tạm cấp một phần hỗ trợ tiền từ ngân sách cho giáo viên nhà trường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái DƯƠNG VĂN TIẾN |
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Yên Bái Hoàng Thị Lan Hương cho biết: Những kiến nghị, trăn trở của giáo viên Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Sau đó, tùy thuộc vào từng Sở liên quan để xin ý kiến các Bộ theo ngành dọc về chế độ, chính sách đối với Trường.
Công văn số 221 của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 31.1.2018 gửi Sở Tài chính tỉnh Yên Bái có nêu rõ: Căn cứ Điều 2, Nghị định 61/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường chuyên biệt, ở vùng KT - XH đặc biệt khó khăn, Trường Trung cấp nghề nội trú Nghĩa Lộ không đóng trên địa bàn vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, không phải là trường chuyên biệt. Do vậy, nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 61/2006 của Chính phủ. Tại Điểm e, Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 1379/2013 của Thủ tướng Chính phủ có nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề là: “Xây dựng và bổ sung chính sách cho giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt”. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện chính sách này. Do vậy, nhà giáo, sinh viên học nghề nội trú không được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt?!.
Về vấn đề này, thứ nhất, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghĩa Lộ không đóng trên địa bàn vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn nhưng là trường chuyên biệt theo Quyết định 1836, ngày 27.11.2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo Quyết định, tại Điều 1, khoản 3, Trường chuyên biệt công lập đào tạo cho một số ngành, nghề trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật. Như vậy, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ nằm trong danh sách trường chuyên biệt công lập đào tạo đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú.
Thứ hai: Thông tư liên tịch số 06/2007 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn tại điểm b, mục 2, phần II có quy định: Mức phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; các trường chuyên biệt gồm: Trường THPT chuyên; Trường phổ thông dân tộc nội trú và trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật. Mức phụ cấp 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường chuyên biệt không đóng trên địa bàn thuộc vùng KT - XH đặc biệt khó khăn, bao gồm: Trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học và trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Lớp dạy học viên lái máy gieo hạt bằng mô hình | Ảnh: Minh Châu |
Như vậy, nếu thực hiện theo Thông tư này, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghĩa Lộ không nằm trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn thì áp dụng được hưởng phụ cấp 50% mức lương theo ngạch. Nhưng áp vào Quyết định 1836 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Phê duyệt ngành, nghề trọng điểm thì là trường chuyên biệt được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng. Ngày 20.5.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng. Theo Quyết định, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách nội trú. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế độ, chính sách ưu đãi cho nhà giáo giảng dạy, cho những đối tượng người học này.
Sớm bổ sung Nghị định 61/2006
Có lẽ lý do giáo viên các Trường Trung cấp dân tộc nội trú chưa được hưởng chính sách là ở chỗ: Nghị định 61/2006/NĐ- CP, tại Điểm a, Khoản 1 Điều 2, Trường chuyên biệt quy định tại Nghị định này theo quy định tại các Điều 61, 62, 63 và 64 của Luật Giáo dục bao gồm: Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; trường chuyên, trường năng khiếu; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; trường giáo dưỡng, không có tên Trường Trung cấp dân tộc nội trú. Nhưng trên thực tế quy định chức năng, nhiệm vụ của các Trường Trung cấp dân tộc nội trú: Vừa giảng dạy chương trình giáo dục trung học phổ thông vừa giáo dục nghề nghiệp, cán bộ, giáo viên rất vất vả trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ chính sách và hết sức vất vả trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh cả trong và ngoài giớ lên lớp.
Quyết định 1379/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 6 năm với những chính sách hết sức thiết thực, bảo đảm sự công bằng xã hội cho phát triển giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhưng đến nay chưa được thực hiện là nỗi niềm trăn trở của giáo viên các trường. Đề nghị các bộ, ngành, Trung ương sớm hướng dẫn thực hiện chính sách đặc thù này để bảo đảm chế độ, quyền lợi chính đáng cho các giáo viên đang công tác tại các trường chuyên biệt trong khối giáo dục nghề nghiệp.