>> Bài 1: Nhân rộng mô hình hiệu quả
Bài toán nan giải
Cách đây 3 năm, gia đình chị Lê Thị Thủy (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) đã chuyển 2ha đất bãi đang trồng mía ngô sang trồng cà gai leo dược liệu, bán với giá 45.000 đồng/kg sấy khô, cho thu nhập gấp 4 lần trồng mía. Thấy có hiệu quả, nhiều hộ dân xã Đông Hoàng đã nhanh chóng mở rộng diện tích, đến cuối năm 2016, toàn xã có trên 20ha cà gai leo. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá cà gai leo khô giảm chỉ còn khoảng 20.000đồng/kg. Theo chị Lê Thị Thủy, do nhiều người trồng, cung vượt cầu nên giá thấp, dẫn tới hiệu quả không cao, tới đây gia đình chị sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác.
Giống như cây cà gai leo ở xã Đông Hoàng, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đang là bài toán nan giải nhất trong phát triển nông nghiệp của Thanh Hóa.
Mô hình sản xuất lạc giống tại thôn Đạo Ninh, xã Hoằng Đạo |
Với phương châm lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được trên 1.000 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. |
Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Văn Nam, nông nghiệp Thanh Hóa đang đối mặt nhiều khó khăn từ diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân đến thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Mặt khác, kết cấu hạ tầng nông, lâm, thủy sản còn yếu kém; nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp đã được tăng cường nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế...
Tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới
Thanh Hóa xác định tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới tạo ra điều kiện thuận lợi để tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Sự lồng ghép, phối hợp giữa hai chính sách này đã cho ra đời các mô hình sản xuất cho thu nhập khá.
Ở huyện Thọ Xuân đã phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, toàn huyện đã lựa chọn, tổ chức thực hiện được trên 27 mô hình sản xuất, bao gồm các mô hình trồng hoa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng hoa tại các xã Bắc Lương, Xuân Trường, Thọ Diên cho thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha/năm; trồng bưởi Diễn, cam Vinh cho thu nhập bình quân từ 300-500 triệu đồng/ha mỗi năm. Tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Đỗ Xuân Sơn, xã Xuân Trường. Trên diện tích 5,8 ha cây ăn quả, anh Trường đã trồng được 1.200 gốc cam Vinh, 2.000 gốc cam Đường Canh, 1.600 gốc bưởi đào, 2.000 gốc chanh đào, 200 gốc bưởi da xanh; với những diện tích đã cho thu hoạch, anh thu về gần tỷ đồng mỗi năm.
Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Thanh Hóa Lê Như Tuấn cho biết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch theo hướng tập trung cho chế biến bảo đảm chất lượng, phát huy lợi thế và khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xu hướng thị trường; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, từng bước xây dựng thương hiệu cho các vùng nông sản. Đồng thời, khuyến khích tích tụ ruộng đất. Đặc biệt, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, hướng sản xuất vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ thực hiện tốt khảo sát, dự báo thị trường để các doanh nghiệp, HTX hộ nông dân có phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; đồng thời quan tâm tổ chức lại hoạt động của các HTX sản xuất nông nghiệp.