Ban hành nghị quyết, chủ trương để chỉ đạo thực hiện
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực, phương thức giám sát được HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND thành phố quan tâm, chú trọng: trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc hoạt động giám sát của HĐND theo quy định của Luật, việc tổ chức thực hiện các khâu của quy trình giám sát có những nét mới; đó là tăng cường khảo sát thực tế, tiếp cận cử tri, đối tượng thụ hưởng chính sách để nắm bắt rõ tình hình, bám sát tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả giám sát; thành phần Đoàn giám sát tinh gọn, hiệu quả và mời các chuyên gia có chuyên môn về nội dung giám sát để nâng cao chất lượng giám sát và tính phản biện.
Trong làm việc không đọc lại báo cáo, chỉ nêu trọng tâm, rõ vấn đề vướng mắc và trách nhiệm, giải pháp; bố trí nhiều sở, ngành liên quan cùng làm việc với Đoàn giám sát. Sau giám sát, các nội dung kết luận đều được Thường trực HĐND tham mưu xây dựng và trình HĐND ban hành nghị quyết đối với các nội dung giám sát và tiếp tục định hướng HĐND giám sát tại kỳ họp đối với báo cáo và nghị quyết về nội dung đã giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Đáng chú ý, những nghị quyết, kết luận sau giám sát được Đảng đoàn HĐND thành phố đề xuất, tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy ban hành nghị quyết, chủ trương để chỉ đạo thực hiện. Quá trình triển khai, HĐND phối hợp UBND thành phố xây dựng các hồ sơ dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND thông qua, để kịp thời triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy. Đồng thời, HĐND thành phố giám sát chặt việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND và thực hiện các ý kiến kết luận giám sát đã chỉ ra.
Hiệu quả thiết thực
Điểm nổi bật trong giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban thành phố Hải Phòng đó chính là từ kết quả giám sát đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể. Điển hình, sau cuộc giám sát “Việc thực hiện công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố” của Thường trực HĐND thành phố vào tháng 10.2021, kiến nghị tại kết luận đã được tiếp thu, cụ thể tại kỳ họp cuối năm 2021 là việc bố trí nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai các dự án, chương trình bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố. Hoặc như nội dung giám sát “Hiện trạng công tác tu bổ và tôn tạo các di tích cấp thành phố”của Ban Văn hóa - Xã hội năm 2022, kết luận kiến nghị đã được UBND thành phố tiếp thu, đề nghị HĐND ban hành Nghị quyết trình kỳ họp HĐND trong năm 2022 về công tác hỗ trợ kinh phí để tu bổ tôn tạo các di tích cấp quốc gia xuống cấp.
Năm 2022, Ban Đô thị HĐND thành phố giám sát “công tác quản lý, vận hành hệ thống các hồ điều hòa cùng trạm bơm và việc xử lý ngập úng đô thị trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân”. Kết luận và kiến nghị sau giám sát được cụ thể hóa bằng việc HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống lan can xung quanh mương hồ điều hòa. Đồng thời, HĐND giám sát chặt, thường xuyên đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát đến khi công tác khắc phục được thực hiện triệt để, bảo đảm an toàn tại các mương hồ điều hòa, nhất là trong mùa mưa bão, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân thành phố.
6 tháng đầu năm 2023, HĐND thành phố giám sát chuyên đề về "thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố”. Cuộc giám sát này thực sự có ý nghĩa, là cơ sở để Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương về đề án “nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng đến năm 2030”; UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết “Chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030” tại kỳ họp cuối năm 2023. Kết luận sau giám sát được HĐND thành phố tiếp tục cụ thể hóa trong việc ban hành Nghị quyết về Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương năm 2024 đã bổ sung 90 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế so với 14 tỷ đồng năm 2023 (gấp gần 8 lần).