Mỗi mô hình phục hồi kinh tế do Công ty Núi Pháo hỗ trợ xây dựng đều được Công ty kề vai bù đắp. Các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được phía Công ty hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ giúp xây dựng, quảng bá thương hiệu, chính những sản phẩm nông nghiệp mà phía Công ty dày công tạo dựng với niềm tin đó là sản phẩm nông nghiệp an toàn đã được Công ty mua lại để làm quà tặng cho cán bộ công nhân viên cũng như đối tác.
Bà Phạm Thị Lan Anh (Công ty TNHH Bao bì Anh Dương) cho biết: May bao bì Anh Dương được ra đời năm 2013 từ chương trình phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo. Ban đầu, Anh Dương chỉ sản xuất bao bì theo đơn đặt hàng của Núi Pháo. Có một đơn vị vệ tinh cung ứng sản phẩm tư liệu tốt, Công ty Núi Pháo đã thể hiện trách nhiệm sâu sắc qua các kênh thông tin để giúp Anh Dương trở thành một doanh nghiệp lớn. Từ lúc có vài ba công nhân với thu nhập chưa cao, đến nay, Anh Dương đã có 130 lao động với mức lương bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói là Công ty núi Pháo đã kết nối để Anh Dương tiếp cận và cung ứng sản phẩm bao bì cho nhiều khách hàng trên toàn thế giới. Công ty Núi Pháo cũng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ các nước có trình độ sản xuất bao bì tiên tiến.
Được biết, ngoài doanh nghiệp Anh Dương, thông qua chương trình phục hồi kinh tế, Công ty Núi Pháo còn hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp vệ tinh cho chính đơn vị. Doanh nghiệp Khánh Hiền được ra đời năm 2012 với chức năng chuyên may sản phẩm đồng phục cho Công ty và các đối tác, các nhà thầu. Doanh nghiệp Hà Quang Huy ra đời năm 2013 chuyên về sản xuất các loại giày cứng, mũ cứng cho người lao động; các sản phẩm đồ mộc phục vụ trong sản xuất và sinh hoạt. HTX vệ sinh môi trường Hà Thượng ra đời năm 2012 có nhiệm vụ cung ứng thùng đựng và xe chuyên dụng chở rác, thu gom rác thải…Có hàng trăm công nhân đang làm việc với thu nhập ổn định tại các đơn vị vệ tinh của Công ty Núi Pháo. Chắc chắn rằng, những doanh nghiệp nói trên sẽ song hành và phát triển xuyên suốt cùng với sự tồn tại và phát triển của Công ty Núi Pháo.
Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động chiếm tỷ lệ cao trong tổng kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng của Công ty Núi Pháo. Vượt lên trên những khoản bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được thực hiện theo chính sách của nhà nước, Công ty Núi Pháo còn làm tốt trách nhiệm xã hội không chỉ đối với cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án mà đối với cả huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, hàng loạt các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm…tại các xã đã được Công ty hỗ trợ đầu tư xây dựng góp phần làm thay đổi diện mạo những vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn của địa phương.
Ông Bùi Khắc Tiến (Bí thư Đảng ủy xã Tân Linh, huyện Đại Từ) cho biết: Cùng với việc chế biến sâu khoáng sản kim loại quý, Công ty Núi Pháo đã khai mở trình độ, năng lực tư duy, sản xuất cho người dân bản địa. Công ty đã không bội hứa mà thể hiện hiệu quả cam kết trách nhiệm đồng hành với người dân. Hoạt động hỗ trợ của Công ty Núi Pháo có ý nghĩa thiết thực, to lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ông Phan Chiến Thắng (Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Đối ngoại Công ty Núi Pháo) chia sẻ, Công ty Núi Pháo sẽ luôn khẳng định thế giới quan nhân văn trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương. Chương trình nói trên của Núi Pháo còn chứa đựng một khát vọng to lớn. Với trên 40.000 lao động, hệ sinh thái của Tập đoàn Massan có rất nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm cho người dân với trên 3.000 siêu thị, cửa hàng Winmart/Winmart+. Nếu những cam kết về sản xuất an toàn, đảm bảo môi trường được đáp ứng thì người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo cũng như huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên sẽ có nhiều cơ hội để vươn cao. Đó chính là mẫu hình chia sẻ lợi nhuận lý tưởng nhất, nhân văn nhất.